Một trong những biện pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường Hồ là tính xã hội hóa, là nhiệm vụ của cộng đồng dân cư lân cận các khu vực hồ. Nếu không có sự chủ động và tích cực tham gia của người dân sống trong khu vực quanh hồ thì công tác bảo vệ môi trường hồ khó đạt được hiệu quả mong muốn.
Cộng đồng được xác định là tất cả những người sống hoặc làm việc trong một khu vực địa lý nhất định, không phân biệt nam nữ, già trẻ. Sự tham gia của cộng đồng là việc một cộng đồng được tham gia tư vấn ý kiến, tỏ thái độ và mối quan tâm của họ về các kế hoạch phát triển, quy hoạch và bảo tồn các Hồ trong khu vực.
Sự tham gia của cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường Hồ. Những quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng hồ có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Cộng đồng địa phương là người trực tiếp gắn bó quyền lợi đối với hồ, họ có quyền được hưởng lợi nhờ sử dụng bền vững hồ cho kinh tế, nghỉ dưỡng, các nhu cầu văn hóa, xã hội và tâm linh. Việc cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sẽ góp phần xây dựng một xã hội, trong đó những bên liên quan bao gồm những người sống, làm việc, học tập, thường xuyên qua lại trong khu vực Hồ có trách nhiệm và nghĩa vụ với công tác bảo vệ môi trường. Những tính chất có sức mạnh nổi bật của cộng đồng là: tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung; sự sáng tạo và duy trì các kiến thức bản địa; lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, của quê hương gắn với tình yêu dân tộc, đó cũng chính là cội nguồn lớn nhất của sức mạnh cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng của công tác quản lý ở địa phương, vì qua các cấp quản lý hành chính (từ Trung ương đến cơ sở) thì càng xuống cấp thấp hơn vai trò của người dân càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho công tác bảo vệ môi trường mà còn là lực lượng giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện.
Để cộng đồng cùng tham gia quản lý và bảo vệ có hiệu quả thì cộng đồng đó cần am hiểu các vấn đề môi trường, sinh thái hồ, các nghĩa vụ và lợi ích của công tác bảo vệ Hồ. Chính vì vậy các chương trình nâng cao nhận thức giúp cộng đồng tiếp cận với các nguồn thông tin, luật pháp và chính sách hiện hành là rất cần thiết.
Như vậy việc tăng cường năng lực và phát triển cộng đồng phải được các nhà chức trách quan tâm thường xuyên trong các công trình quy hoạch, dự án. Từ đó thúc đẩy những tiềm năng cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường Hồ nói riêng. Thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được Hồ Thật Xanh – Thật Sạch – Thật Đẹp, là lá phổi xanh, trở thành trung tâm văn hóa, xã hội cho cộng đồng, sẽ đóng góp cho sự phát triển đô thị bền vững của Hà Nội.
Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đang thu thập các phương thức thực hành tốt nhất, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, về sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hồ tại Hà Nội. Nếu quý độc giả biết hoặc thấy nơi nào có kinh nghiệm tốt, xin chia sẻ và thông báo cùng chúng tôi.
Phụ nữ tiên phong trong công tác bảo vệ Môi trường
Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ và phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp” ở Hồ Đền Lừ
Hội phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ – quận Hoàng Mai là một tổ chức luôn đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường của phường, hội phụ nữ luôn là lực lượng tiên phong từ tuyên truyền vận động đến những việc làm thiết thực. Trong những năm gần đây, hội đã tích cực thực hiện khẩu hiệu “Năm không ba sạch (sạch nhà – sạch bếp – sạch ngõ)”, mỗi chi hội phụ nữ tự quản tuyến đường tại khu dân cư mình sinh sống, cùng chung tay bảo vệ môi trường Hồ.
Hồ Đền Lừ là một hồ nhân tạo lớn, là nơi vui chơi giải trí duy nhất của nhân dân trong phường Hoàng Văn Thụ vì vậy các hội viên phụ nữ trong khu dân cư ý thức được rằng bảo vệ hồ xanh – sạch – đẹp là hoạt động thiết thực, mang lại cho họ môi trường sống trong lành, khỏe mạnh hơn.
Vì hồ là nơi thu hút người dân đến vui chơi, giải trí
nên quanh hồ, các hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động đặc biệt là vào buổi tối gây khó khăn cho công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Trước thực trạng đó, hội viên phụ nữ tại các tổ dân cư này đã vận động từng hộ kinh doanh xung quanh hồ không vứt rác xuống hồ, sau mỗi tối phải tự thu gom rác vào nơi quy định, có bãi để xe cho khách tránh tình trạng xe để lên bãi cỏ, bồn hoa hay trên đường dạo quanh hồ.
Sau nhiều tháng kiên trì vận động, tình trạng vứt rác xuống hồ đã giảm đáng kể. Ngoài ra, hội phụ nữ phường còn tiếp tục vận động người dân cải tạo lại các bồn hoa và trồng thêm cây, bố trí thêm các thùng rác quanh hồ và giao cho từng hộ quanh hồ quản lý khuôn viên hồ trước cửa nhà mình.
Trước những nỗ lực của Hội phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ, hồ Đền Lừ hiện nay thật sự là một hồ đẹp của Hà Nội. Năm 2010, trong một chuyến công tác sang Việt Nam bà Anne Castle, Thứ trưởng Bộ Nội địa phụ trách các vấn đề về nước và khoa học của Mỹ, đã đến thăm Hồ và hết sức khen ngợi việc làm của chi Hội phụ nữ: “Đây là thành công rất lớn. Sự thành công này không chỉ thế hệ ngày nay mà mai sau sẽ được hưởng nó, chị em phụ nữ ở đây đã làm công việc của cả cộng đồng”.
Với sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng, Hội phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ và cộng đồng đang làm hồ Đền Lừ ngày càng đẹp hơn, trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng của phường và của thành phố Hà Nội.
Cùng ngược trở lại thời gian cách đây 57 năm, tìm về một Hà Nội cổ kính với bề dày lịch sử trong ngày Giải phóng Thủ đô.
Từ sáng sớm ngày 10-10-1954, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, ảnh Bác Hồ và những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố… kéo tới những con đường được báo trước là bộ đội hành quân qua.
Đối với người dân thời bấy giờ, chưa bao giờ Hà Nội đẹp, tự do và tươi mới đến thế. Cờ, hoa, khẩu hiệu tràn ngập đường phố, nhiều nhất là khu vực hồ Gươm. Cả chục nghìn người đổ ra đường, nụ cười luôn nở trên môi.
Hồ Gươm – 57 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô
57 năm đã trôi qua nhưng những kí ức hào hùng về ngày 10 tháng 10 năm ấy vẫn còn đọng lại trong lòng người Hà Nội. Cờ và hoa vẫn rộn ràng trên đường phố và Hồ Gươm vẫn đẹp rạng rỡ trong ngày lễ lịch sử của dân tộc.
Ngày 10 tháng 10 năm nay, quanh bờ Hồ, công tác chuẩn bị chào mừng ngày lễ của dân tộc được tiến hành từ rất sớm. Những lẵng hoa trang trí rực rỡ một khoảng trời, trên vỉa hè và dưới mặt hồ, rác được dọn dẹp sạch sẽ. Các thùng rác được bố trí thêm để phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân trong những ngày lễ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan của Hồ Gươm.
Niềm vui như được nhân đôi đối với người Hà Nội khi đúng ngày lễ quan trọng này, người ta lại nhìn thấy cụ Rùa Hồ Gươm – một sinh vật mang ý nghĩa tâm linh và gắn nhiều với truyền thuyết cùa Hà Nội cũng nổi lên trên mặt nước chào mừng ngày lễ lớn của Thủ đô.
Hà Nội ngày nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ về các mặt đời sống kinh tế xã hội nhưng các giá trị lịch sử và tâm linh thì không hề mai một trong trâm trí của người dân Thủ đô. Hồ Gươm vẫn là một địa điểm mang nhiều ý nghĩa đối với người dân Hà Nội và đối với bạn bè Quốc tế. Hiện nay, công tác bảo vệ Hồ vẫn luôn được nhà nước quan tâm và cộng đồng chung tay thực hiện.
Bản tin Hồ Hà Nội tiếp tục nhận được nhiều hồi âm của độc giả phản ánh và cập nhật về tình trạng ao hồ hiện nay trên địa bàn Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được nhiều phản ánh của các bạn.
Bạn đọc Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thông tin về ao trước trường Cao đẳng Múa Việt Nam
“Ao là ao tự nhiên nằm trước trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Ao trước đây là nơi tập kết rác thải, phế thải, vật liệu xây dựng từ các khu dân cư xung quanh đổ ra nên rất mất mỹ quan và ô nhiễm trầm trọng. Thời gian gần đây, do có dự án mở rộng đường Hồ Tùng Mậu nên giải tỏa được hầu hết các hộ dân cư sống quanh ao, môi trường vệ sinh xung quanh ao đã được cải thiện đáng kể.”
So với năm 2010, khi chúng tôi khảo sát ao này để thực hiện cuốn sách Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ Môi trường Hồ Hà Nội- Báo cáo thông tin nền Sáu Quận nội thành Hà Nội, đến nay ao đã được cải thiện đáng kể về mặt vệ sinh môi trường và mỹ quan. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo vệ môi trường hồ. Mong bạn tiếp tục cập nhật thêm thông tin về cho bản tin.
Bạn đọc Phạm Thị Kim sống tại khu vực Quảng an, Tây Hồ có chia sẻ về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Ao Chéo
“Ao Chéo trước là ao liên thông với ao chùa Phổ Ninh, sau được ngăn ra thành ao Chéo. Hiện nay ao là nơi tiếp nhận nước thải, bờ bị lấn chiếm làm nơi chăn nuôi lợn và thải trực tiếp xuống ao gây ô nhiễm trầm trọng”.
So với năm ngoái, khi chúng tôi thực hiện khảo sát tại ao này thì hiện trạng của ao vẫn chưa được cải
thiện. Hi vọng sắp tới ao sẽ có những biện pháp tốt hơn chấm dứt việc đổ rác thải, nước thải vào ao.
Bạn đọc Nguyễn Kiên Trung, Cầu Giấy cho biết:
“Mình ở Cầu Giấy, đi làm ở khu vực Kim Mã nên thường xuyên đi qua khu vực hồ công viên Thủ Lệ. Thời gian gần đây mình thấy hồ rất bẩn, thường xuyên nổi rác thải trên mặt hồ. Có những hôm trên mặt hồ nổi rất nhiều tảo, gần như kín đặc một phần ba mặt nước. Thiết nghĩ, hồ là nơi vui chơi giải trí có nhiều du khách đến tham quan do nằm trong khuôn viên của Vườn Bách Thú nên cần chú trọng đảm bảo công tác vệ sinh môi trường hồ hơn nữa.”