Một trong những biện pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường Hồ là tính xã hội hóa, là nhiệm vụ của cộng đồng dân cư lân cận các khu vực hồ. Việc cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường sẽ góp phần xây dựng một xã hội, trong đó bao gồm những người sống, làm việc, học tập và thường xuyên qua lại trong khu vực Hồ có trách nhiệm và nghĩa vụ với công tác bảo vệ môi trường.
Ý thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian gần đây mô hình khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường được chú trọng và phát triển. Bên cạnh những thành công đã đạt được, quá trình này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn và bất cập.
Điều dễ nhận thấy trong hoạt động phong trào bảo vệ môi trường chỉ tập trung trong thời điểm nhất định, hay các dịp ra quân hưởng ứng ngày lễ, tết: như mùa hè thanh niên tình nguyện, tết trồng cây, nhân các ngày lễ kỷ niệm về môi trường,…. Các hoạt động này mang tính cổ động, tuyên truyền, thiếu hiệu quả bảo vệ môi trường rõ nét. Đồng thời. các hoạt động tuy được tổ chức bài bản, tập trung nhưng lại không được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, các đối tượng tập hợp chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên, hoạt động bảo vệ môi trường chưa tạo được ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng.
Tại các địa bàn phường xã, việc thành lập các tổ vệ sinh môi trường tự quản tiến hành tổng dọn vệ sinh, đưa rác thải về đúng nơi quy định, khơi thông cống rãnh, bảo đảm môi trường xanh- sạch- đẹp tại các điểm công cộng cũng là một mô hình rất hiệu quả. Tuy nhiên tại nhiều khu vực, việc thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của các tổ, đội vệ sinh môi trường vẫn còn gặp khó khăn do chưa có kinh phí duy trì hoạt động cho các tổ, đội vệ sinh môi trường mà chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân. Bên cạnh những hộ tự giác, nhiều hộ không đóng góp hoặc đóng góp chậm trễ khiến một số địa phương tuy đã thành lập được tổ tự quản nhưng hoạt động không thường xuyên, nhiều chi hội có đủ lực lượng tham gia nhưng các hoạt động chưa đi vào chiều sâu.
Hồ là địa điểm đẹp, thường thu hút nhiều du khách đến tham quan và giải trí nên tại đây các loại hình dịch vụ thường phát triển mạnh. Việc kinh doanh các loại dịch vụ như quán ăn, nước giải khát phát sinh nhiều rác bẩn cũng làm mất vệ sinh môi trường hồ. Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các chủ hộ kinh doanh là cần thiết cũng như cần có một chế tài xử phạt hợp lý.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát triển mô hình này rộng rãi hơn cần có kế hoạch phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, huy động kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật, kêu gọi sự tham gia của các đoàn thể như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… để không chỉ thành lập được hệ thống các tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản mà còn phát huy hiệu quả, bền vững hoạt động ở từng khu dân cư. Giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường là việc của toàn xã hội, vì lợi ích to lớn của cộng đồng, vì thế mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề ô nhiễm môi trường hồ.
Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đang thu thập các phương thức thực hành tốt nhất, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, về sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hồ tại Hà Nội. Nếu quý độc giả biết hoặc thấy nơi nào có kinh nghiệm tốt, xin chia sẻ và thông báo cùng chúng tôi./.
|
Nhà thờ thánh Michael
Du lịch chủ yếu dựa vào mặt nước, các điều kiện môi trường và các giá trị của hồ Balaton. Tuy nhiên, du lịch hồ Balaton và các dịch vụ có liên quan gây sức ép không nhỏ đến hệ sinh thái nhạy cảm của hồ. Vấn đề then chốt là việc xử lý chất thải và nước thải (tại các làng nhỏ), và giải quyết hài hòa sự phát triển nhanh của các công trình xây dựng xung quanh hồ. Trước đây, hệ thống thu gom và xử lý các dòng thải thải đô thị và nông nghiệp hầu như không có. Nước thải được xả trực tiếp vào hồ với lượng phốt pho chiếm tới 30% tổng lượng phốt pho của hồ.
Kết quả là, hệ sinh thái hồ bị tổn thương, làm giảm khả năng đáp ứng môi trường sống cho các động vật hoang dã và các dịch vụ then chốt như du lịch, gây ra lỗ hổng lớn cho xã hội. Ví dụ, mực nước hồ thấp có thể đe dọa hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ kinh tế xã hội của hồ và lưu vực theo nhiều cách khác nhau như mất môi trường sống của động vật hoang dã, mất nghề cá, thay đổi các yếu tố hóa học trong nước, gây khó khăn cho hoạt động tàu thuyền thương mại, giải trí, thẩm mỹ, mất nguồn thu liên quan đến du lịch…Trong thập kỷ 90, nhiều nỗ lực khôi phục và bảo vệ hồ Balaton đã được triển khai, thông qua việc phối hợp các biện pháp kiểm soát có kế hoạch, đầu tư hệ thống thoát nước, chấm dứt việc sử dụng phân bón vô tội vạ, chất lượng nước hồ đã có nhiều cải thiện kể từ năm 1995.
Về mặt thể chế, năm 1997, Hội đồng Phát triển hồ Balaton trở thành cơ quan quản lý quan trọng nhất của hồ Balaton. Hội đồng gồm 17 thành viên được bầu đại diện cho 3 khu vực trong vùng, 3 hội đồng phát triển quận, 3 tiểu vùng, các bộ của Hungary và Cơ quan Phát triển quốc gia. Hội đồng Phát triển hồ Balaton và Cơ quan Hợp tác Phát triển (LBDCA) phối hợp hài hòa trong các hoạt động phát triển khu vực và đầu tư liên quan đến việc bảo tồn các điều kiện sinh thái của khu nghỉ mát, cải thiện chất lượng nước và phát triển ngành du lịch. Khung pháp lý về hồ Balaton được quy định trong “Đạo luật Balaton” của Hungary năm 2000 (sửa đổi năm 2008), áp dụng cho hơn 17 lĩnh vực như bảo vệ thiên nhiên, hành lang sinh thái, bảo vệ nước mặt, các hướng dẫn pháp luật, bảo vệ môi trường, phát triển và các hoạt động khác trong khu vực.
Theo đó, Hội đồng Phát triển hồ Balaton xây dựng Chiến lược Phát triển Vùng Balaton giai đoạn 2007-2013 và Chương trình Phát triển (chi tiết), với sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương và các nhà hoạch định chính sách: 5 nhóm làm việc (khoảng 30 người ) đã được thiết lập, bao gồm đại diện các thành phố, các tiểu vùng, các bộ và các cơ quan chuyên trách. Chiến lược vạch ra một triển vọng phát triển bền vững cho khu vực, tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường, nâng cao tính cạnh tranh, giao thông và nguồn nhân lực. Cải thiện chất lượng môi trường và cân bằng mối quan hệ du lịch-hệ sinh thái là một trong những mục tiêu chính của các nhóm làm việc này.
Để cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược Phát triển khu vực Balaton và để phối hợp thực hiện tốt hơn, Hội đồng Phát triển hồ Balaton cùng với các thành phố Siófok và Balatonfured tham gia sáng kiến thiết lập hệ thống quản lý môi trường. Một đánh giá cơ bản về hiện trạng môi trường khu vực (bao gồm cả 164 thành phố) được thực hiện, là cơ sở cho việc xây dựng các chương trình về môi trường. Các ưu tiên được đưa ra để thiết lập hệ thống quản lý bền vững và quy hoạch cảnh quan, quan trắc tiêu chuẩn và hệ thống thông tin để cải thiện liên tục hệ sinh thái hồ.
Trong kế hoạch quốc gia về quản lý hồ của Hungary, kế hoạch khôi phục bờ hồ được thiết lập, và các biện pháp nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của tất cả các thành phố hồ quanh hồ, như một con đường cây xanh quanh hồ. Hạn chế sự phát triển ven bờ hồ, ngăn cấm sự gia tăng các công trình xây dựng ven hồ và nhu cầu các vùng đệm giữa bờ hồ và đất nông nghiệp. Đặc biệt, các cộng đồng dân sự được khuyến khích tham gia bảo vệ hồ. Trong khuôn khổ của dự án “Thúc đẩy các liên kết đô thị-nông thôn vì sự phát triển bền vững của châu Âu”, chương trình tài trợ nhỏ được thành lập hỗ trợ cho các sáng kiến nhỏ lẻ của cộng đồng và cá nhân.
|
Như một tất yếu của những nỗ lực không mệt mỏi trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên, sự đa dạng của các loài vùng hồ được bảo tồn. Các cơ sở xử lý nước thải, nước mưa và các hoạt động bảo vệ bờ hồ đã dần cải thiện được chất lượng nước của hồ Balaton, nhờ đó hồ ngày càng tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Tóm lại, các thành phố xung quanh hồ Balaton đã thành công trong việc cứu hồ và bờ hồ khỏi sự suy giảm và giữ gìn hồ để hồ đáp ứng các chức năng cảnh quan tự nhiên cũng như nguồn lợi kinh tế.Nguồn: Nghiên cứu điển hình “Thúc đẩy các liên kết đô thị-nông thôn vì sự phát triển bền vững của châu Âu” soạn thảo bởi ICLEI châu Âu, Đại học Northumbria, 2008.
Chào mừng Ngày 20 tháng 11 – Ngày nhà giáo Việt Nam
Giáo dục bảo vệ môi trường là một yêu cầu thiết thực nhằm xây dựng nền tảng kiến thức cũng như ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
Đó cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất, kinh tế nhất và có tính bền vững trong các biện pháp để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam có gần 23 triệu học sinh, sinh viên, việc trang bị kiến thức cho số đối tượng này có nghĩa là trang bị kiến thức cho gần 1/3 dân số.
Những năm tháng học phổ thông là thời gian xây dựng cảm xúc và thẩm mĩ mãnh liệt nhất của các em, vì vậy, tiếp xúc với thiên nhiên, hiểu biết về thế giới môi trường xung quanh có thể giúp các em có được thái độ, tư duy và hành xử với môi trường đúng đắn nhất.
Sử dụng Môi trường để giáo dục không chỉ giúp các em kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp mà còn giúp các em phát triển thêm kỹ năng quan sát, rèn luyện hành vi ứng xử với môi trường thực. Việc tổ chức cho học sinh đi tham quan học tập ở các khu bảo tồn thiên nhiên, các nhà máy xử lý rác, khu chế xuất, danh lam thắng cảnh kết hợp điều tra khảo sát, tìm hiểu tình hình khu vực và đưa ra các kết luận nhận xét và đề xuất các phương án cải thiện môi trường.
Một vài chường trình giáo dục bảo vệ môi trường hiện nay:
– Thí điểm áp dụng chương trình giáo dục môi trường vào trường trung học cơ sở ở thành phố Hài Dương.
– Thí điểm áp dụng chương trình giáo dục môi trường vào trường trung học cơ sở ở thành phố Hội An.
– Chương trình “Dinh dưỡng học đường và giáo dục môi trường cho khối tiểu học Hà Nội” tại trường tiêu học Ngọc Lâm.
– Chương trình giáo dục Môi trường và Quyền con người trong chương trình giảng dạy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
– Chương trình giáo dục môi trường tại trường THCS Thành Công.
Đổi mới tư duy cải tạo đô thị
Đô thị học thế kỷ 21 đề cao phát triển đô thị bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phồn vinh kinh tế phải đi đôi với chất lượng sống tốt, với công bằng xã hội.
Định hướng chung
Cải tạo đô thị có thể có nhiều mục đích khác nhau nhưng dù với mục đích cụ thể nào thì cải tạo đô thị cũng không được xa rời hai mục tiêu cơ bản:
1) Đạt tới chất lượng sống tốt; khu vực đô thị có bản sắc, đa công năng; chăm lo cho người nghèo và những người bị thiệt thòi; phát triển nhà thích hợp (affordable housing); tạo lập cộng đồng có thu nhập hỗn hợp.
2) Nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị; bồi dưỡng động lực phát triển đô thị; khuyến khích đầu tư, thúc đẩy phồn vinh đô thị.
Yêu cầu đặt ra là phải:
– Hài hòa các lợi ích của đô thị, của các chủ sở hữu và của các nhà đầu tư.
– Phải xét đến sức tải của đô thị.
– Phải có cách tiếp cận tích hợp chứ không thiên vế chuyên ngành.
– Cải tạo theo dự án/chương trình cho một khu vực với thời hạn cụ thể, địa giới cụ thể.
– Hạn chế tối đa việc di dời dân ra ngoài khu vực, cố gắng bảo tồn cộng đồng có bản sắc.
Tại các đô thị lớn, nên giao cho Sở Kiến trúc Quy hoạch trực tiếp quản lý cải tạo đô thị.
Chính sách thu hồi đất xây dựng cho cải tạo đô thị khá phức tạp, khác với thu hồi đất nông nghiệp. Đất đai trong đô thị đều gắn với các loại công trình và kết cấu hạ tầng đang được khai thác sử dụng, cho nên thu hồi đất thực ra là thu hồi công trình, thường là đa sở hữu, đa công dụng, do đó việc bồi thường và tái định cư dân, tái phối trí các hoạt động kinh doanh… là rất rối rắm. Vì vậy để thực hiện quy hoạch cải tạo đô thị, Nhà nước nên quyết định thu hồi đất và giao đất cho tổ chức phát triển quỹ đất, do UBND cấp tỉnh thành lập và phân cấp cho chính quyền đô thị trực tiếp điều hành. Phương thức này được quốc tế gọi là “ngân hàng đất” hay “chế độ dự trữ đất”, đã tỏ ra rất hiệu quả và đảm bảo tính minh bạch.
Cộng đồng và người dân chịu tác động của dự án cải tạo khu đô thị cũ cộng đồng đông đảo, đa dạng. Do đó phải đề cao tính cởi mở và minh bạch và xây dựng khuôn khổ pháp lý có hiệu lực cho việc tham gia.
Xây dựng thể chế phát triển các quan hệ liên kết nhiều bên và quan hệ hợp tác Nhà nước – tư nhân.
Phù hợp để phát triển
Phân chia cải tạo đô thị thành ba mức độ: tái thiết, chỉnh trang và bảo trì + nâng cấp, để có thể chế thích hợp cụ thể cho từng mức độ.
Khu Thương mại trung tâm
Trung tâm đô thị, thường gọi là Khu Thương mại trung tâm (CBD) là nơi tập hợp nhiều hoạt động hành chính, kinh tế và văn hóa chủ yếu của đô thị, với các trụ sở chính quyền, ngân hàng, khách sạn, nhà ở, cửa hàng bán lẻ các hàng hóa cao cấp, chợ trung tâm, siêu thị, văn phòng dịch vụ, trung tâm hội nghị, nhà triển lãm, nhà hát, bảo tàng…, tóm lại là khu vực đa chức năng. Trung tâm đô thị thường là khu lõi lịch sử của đô thị. Tái phát triển CBD là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền đô thị và các nhà kinh doanh bất động sản.
Đô thị phát triển nhanh nên CBD hiện có không còn tương xứng với tầm vóc mới của đô thị.
Phương pháp luận quy hoạch đô thị nước ta vốn được tiếp thu từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Nay trong nền kinh tế thị trường, trung tâm đô thị cần được tái thiết thành khu đô thị đa chức năng nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, đóng góp vào sự phồn vinh của đô thị.
Nên chọn vị trí thích hợp để phát triển khu vực trung tâm đa chức năng tạo ra bộ mặt tiêu biểu cho đô thị.
Để nâng cao sức tải về giao thông, nhiều đô thị các nước đã áp dụng có hiệu quả biện pháp đưa các tuyến giao thông, điểm trung chuyển và nơi đỗ xe lên cao hoặc xuống dưới mặt đất, vì vậy quy hoạch cải tạo đô thị tại khu vực này, bao gồm cả cải tạo hạ tầng, phải là quy hoạch không gian 3 chiều. Nên lưu ý là không gian giao thông cần được kết hợp khéo léo với các không gian ở và dịch vụ, chẳng hạn được kết nối bằng tuyến đi bộ trên cao hoặc đường.
Đường phố
Đường phố là thành phần quan trọng cấu thành đô thị khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, đường phố hồi sinh nhanh chóng và ngày càng phồn vinh. Đó là một quá trình tự phát do khu vực tư nhân làm chủ nhằm khai thác “hiệu ứng mặt tiền”(frontage effect) trong sự lung túng của chính quyền đô thị và các nhà quy hoạch, vì vậy đường phố trở nên thiếu trật tự và hài hòa về kiến trúc, cơ sở hạ tầng không đủ, ít thân thiện với người đi bộ. Ngay tại các khu đô thị mới, vốn thuận lợi để tạo ra đường phố, rốt cuộc cũng chỉ có đường và các cao ốc tách biệt nhau hai bên đường mà không hình thành đường phố đúng nghĩa! Cần chú ý rằng đường phố không chỉ là nơi tập hợp các địa chỉ mà bản thân nó cũng là một địa chỉ để tìm đến hay hẹn hò gặp gỡ.
Vỉa hè là nơi đi lại cho người đi bộ, nhưng cũng là nơi đỗ cho xe hai bánh, vì vậy phải đủ rộng và viên bó vỉa cần phải vát để xe hai bánh dễ lên xuống. Vỉa hè các khu đô thị cũ thường không đáp ứng được yêu cầu đó, xe đỗ thường choán mất phần lớn lối đi của người đi bộ. Vỉa hè còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động như chờ xe, chờ nhau, ngồi ngắm thiên hạ, dạo phố, bán cà phê và giải khát dưới mái hiên, bán hàng rong, thậm chí còn là nơi hoạt động chơi đùa của trẻ em, nơi sản xuất thủ công hay bầy hàng.
Không gian công cộng
Không gian đô thị dù thuộc sở hữu công hay sở hữu tư, nếu bất kỳ ai cũng có thể lui tới mà không phải xin phép hoặc trả tiền thì đều được gọi là không gian công cộng.
Không gian công cộng đô thị nước ta hiện nay còn là nơi hoạt động của khu vực kinh tế không chính thức và cả hoạt động phi pháp (trộm cắp, mãi dâm, ma túy). Vì vậy việc quản lý sử dụng không gian này đòi hỏi kiến thức kinh tế xã hội sâu sắc chứ không chỉ là việc gìn giữ trật tự và vệ sinh chung.
Khu nhà ở
Vấn đề nhà ở trong cải tạo đô thị nước ta có liên quan với các chủ trương:
– Cải tạo các tiểu khu nhà ở và chung cư cũ nát.
– Tái phát triển khu vực hai bên tuyến đường mới hoặc được mở rộng trong khu đô thị cũ.
– Nâng cấp đô thị tại các ngõ ngách và xóm nghèo.
Bảo tồn các di sản đô thị
Bảo tồn di sản đem lại lợi ích về nhiều mặt: văn hóa, mỹ cảm, giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử, và cả về kinh tế nữa.
Ngoài các di sản cấp thế giới và cấp quốc gia được Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật, các di sản đô thị như phố cổ, nhà cổ, nhà ở danh nhân, nhà trường và bệnh viện danh tiếng, công trình có kiến trúc đặc sắc, đình chùa miếu mạo, thậm chí nhà tù, cây cổ thụ v.v., phần lớn do tư nhân hoặc cộng đồng sở hữu và quản lý, cũng có giá trị lớn góp phần tạo nên bản sắc của đô thị. Một số nguyên tắc chung sau đây khi quy hoạch và lập dự án cải tạo đô thị:
– Mỗi dự án cải tạo đô thị đều phải có phần bảo tồn di sản.
– Kết hợp bảo tồn và phát triển thông qua phương thức “phục hồi”.
– Cộng đồng tham gia và giám sát quá trình quy hoạch và thực hiện dự án bảo tồn di sản.
– Áp dụng rộng rãi Quan hệ đối tác công-tư PPP: đưa khu vực tư nhân vào quản lý và khai thác các di sản thuộc sở hữu công; chính quyền đô thị tài trợ và giám sát hoạt động bảo tồn các di sản thuộc sở hữu tư.
Vai trò của thiết kế đô thị
Thiết kế đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị. thiết kế đô thị đang là môn học mới mẻ tại nước ta. Trường hợp thành công về thiết kế đô thị như dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trên vùng lầy lội tại TPHCM là rất hiếm hoi, chính vì thế cần được phân tích đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm./.
Bản tin Hồ Hà Nội tiếp tục nhận được nhiều hồi âm của độc giả phản ánh và cập nhật về tình trạng ao hồ hiện nay trên địa bàn Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được nhiều phản ánh của các bạn.
Bạn đọc Nguyễn Kim Thanh chia sẻ thông tin về ao cá Bác Hồ khu vực Vĩnh Tuy
“Ao thuộc hệ thống hồ ao tự nhiên dày đặc trong khu vực. Ao cá Bác Hồ được hiện cải tạo vào 3/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2011 nhưng đến nay, vào tháng 10/ 2011, ao vẫn chưa được cải tạo xong. Mặc dù đã được kè và xây đường dạo bao quanh nhưng hệ thống tiêu thoát vẫn chưa hoàn chỉnh, sau mỗi trận mưa nước ao tràn lên đường đi bộ của người dân. Vài chỗ đã kè bị sạt lở nhẹ, cỏ dại mọc um tùm. Một phần bờ trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng là lều tạm cho công nhân. Không biết vì lý do gì nhưng hiện nay ao cá Bác Hồ không được cải tạo tiếp khiến người dân trong khu vực không có nơi vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao. Đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thành dự án này”.
Bạn đọc Nguyễn Thu Hiền sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về tình trạng ô nhiễm môi trường tại hồ trong khuôn viên khoa Pháp của trường:
“Hồ nằm trong khuôn viên của khoa tiếng Pháp trường Đại học quốc gia Hà Nội là nơi thu hút nhiều sinh viên đến vui chơi và học tập. Nhìn chung hồ được giữ gìn vệ sinh rất sạch sẽ nhưng do là địa điểm được nhiều bạn sinh viên yêu thích nên tại đây thường diễn ra các buổi liên hoan, sinh hoạt ngoại khóa của một bộ phận lớn sinh viên trong trường. Sau mỗi buổi liên hoan, phần lớn các bạn đã có ý thức dọn dẹp tuy nhiên vẫn còn một bộ
phận không có ý thức thu dọn rác thải, vứt rác xuống mặt hồ gây mất mĩ quan cho khu vực hồ ”.
Bạn đọc Trương Mai Hương cho biết:
“Mình ở gần khu vực Hồ Tây, nên thường xuyên đi dạo vào buổi tối ở khu vực ven hồ. Thời gian gần đây, ở Hồ Tây có hiện tượng cá chết rất nhiều, đặc biệt là khu vực vườn Hoa Lý Tự Trọng và đường Thanh Niên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vào buổi tối, khi đi dạo quanh khu vực hồ, mùi tanh bốc lên nồng nặc gây khó chịu cho người dân đi tập thể dục và vui chơi quanh hồ”.
“Hồ Tây là hồ lớn nhất của Thủ đô Hà Nội, là nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử cũng như cảnh quan cho Thủ đô vì thế việc chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường hồ và bảo vệ hồ là vô cùng quan trọng.”