CECR cần tuyển chuyên gia nghiên cứu tài liệu hoá các mô hình cộng đồng giám sát nguồn nước

Các nguồn nước ở Việt Nam như (sông, suối, ao hồ, vùng nước ven biển) đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải và rác thải sinh hoạt. Sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước là cách tiếp cận quan trọng giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước cải thiện hiệu quả hoạt động, đảm bảo tiếp cận toàn diện để sử dụng lâu dài và bền vững các nguồn cấp nước và các dịch vụ trong ngành nước.
Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), cơ quan xây dựng và điều phối Liên minh Nước sạch (LMNS) tại Việt Nam đã xây dựng các mô hình có sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ sông, suối, ao hồ, vùng nước ven biển. CECR và các thành viên LMNS đã triển khai các dự án cộng đồng bảo vệ nguồn nước tại Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và Sơn La. Ví dụ, ở Sơn La, các cộng đồng địa phương đã cùng phối hợp để bảo vệ suối Bó Cá, nguồn cấp nước cho Nhà máy cấp nước Sơn La. Tại Đà Nẵng, sở TN&MT xây dựng tổ cộng đồng giám sát bảo vệ âu thuyền Thọ Quang; Tại Bình Dương, UBND phường
Tân Phước Khánh và cộng đồng bảo vệ nguồn nước suối Bưng Cù; Tại Hà Nội, cộng đồng tham gia bảo vệ các ao hồ trong nội thành khỏi ô nhiễm;… Các dự án khác cũng được LMNS triển khai như mô hình “Cải thiện hiệu quả của hệ thống cấp nước sinh hoạt dựa trên cộng đồng” ở xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình và mô hình “Tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng thông qua việc cải thiện chất lượng nước uống và nước sinh hoạt” tại thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Một trong những điều kiện tiên quyết để các mô hình cộng đồng hoạt động hiệu quả là sự công khai thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về các nguồn nước cùng với cơ chế thúc đẩy việc tiếp cận thông tin của cộng đồng. Nhằm đúc kết các kinh nghiệm huy động sự tham gia của cộng đồng trong các mô hình bảo vệ nguồn nước của LMNS và đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy công khai và tiếp cận thông tin trong kiểm soát ô nhiễm nước, LMNS sẽ thực hiện nghiên cứu và xây dựng “Tài liệu hoá các mô hình cộng đồng giám sát và bảo vệ nguồn nước của LMNS và khuyến nghị nhằm tăng cường công khai và tiếp cận thông tin trong kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam”
Điều khoản tham chiếu này được xây dựng cho nhóm chuyên gia nhằm thực hiện nghiên cứu trên với chi tiết được mô tả cụ thể trong các mục dưới đây.
Nhiệm vụ

  • Nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách và pháp luật Việt Nam liên quan đến huy động sự tham gia cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước, quyền tiếp cận thông tin của người dân
  • Rà soát các thực hành tốt nhất về huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước từ các mô hình được triển khai của LMNS trong 5 năm gần đây tại: Suối Bưng Cù, tỉnh Bình Dương; tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình; Kênh Bốn Xã, tỉnh Bắc Ninh; Các hồ tại Hà Nội; Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng ; Rừng ngập mặn Cẩm Thanh, tỉnh Quảng Nam; Suối Pó Cá, tỉnh Sơn La
  • Tổng hợp, phân tích các bài học kinh nghiệm và xây dựng các khuyến nghị về công khai thông tin và tiếp cận thông tin của cộng đồng trong kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam
  • Xây dựng và hoàn thiện tài liệu với sự tham vấn các chuyên gia nòng cốt của LMNS và điều phối viên LMNS

Yêu cầu về nhóm chuyên gia
1.Chuyên gia môi trường và chính sách (MT-CS) – Trưởng nhóm

  • Kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, xây dựng, phát triển và giám sát thực hiện và đảm bảo chất lượng đầu ra
  • Am hiểu sâu sắc về hoạt động và các mô hình cộng đồng giám sát nguồn nước của LMNS tại các địa phương trong giai đoạn 2013-2019
  • Có chuyên môn, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm nước
  • Am hiểu về chính sách và pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, tiếp cận thông tin
  • Có khả năng phân tích sâu, tổng hợp các kinh nghiệm và bài học, đưa ra các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước
  • Có khả năng phân tích và tổng hợp để đưa ra các khuyến nghị cụ thể về tiếp cận thông tin trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong giám sát thực thi chính sách
  • Tối thiểu bằng thạc sỹ về môi trường

2.Chuyên gia phát triển cộng đồng và phân tích giới (CĐ-Giới)

  • Có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và phân tích giới
  • Am hiểu về các mô hình cộng đồng của LMNS
  • Am hiểu về chính sách và pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, tiếp cận thông tin, giới
  • Có khả năng phân tích sâu, tổng hợp các kinh nghiệm và bài học, đưa ra các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước
  • Có khả năng phân tích khía cạnh giới, vai trò của phụ nữ tham gia bảo vệ nguồn nước
  • Có khả năng rà soát phân tích tài liệu, tổng hợp các thực hành tốt, các bài học và đưa ra các khuyến nghị chính sách về vai trò của phụ nữ trong các mô hình bảo vệ nguồn nước dựa vào cộng đồng
  • Tối thiểu bằng thạc sỹ về giới và phát triển

Thời gian thực hiện và kinh phí
Thời gian thực hiện: 05-07/2020.
Tổng kinh phí tối đa cho gói công việc là 50.000.000 Đồng (Đã bao gồm Thuế TNCN).
Các ứng viên quan tâm vui lòng gửi hồ sơ ứng tuyển về CECR theo địa chỉ: chị Đinh Thu Hằng, điều phối viên LMNS, email: hang.dinh@cecr.vn. Hồ sơ bao gồm: các CV, Đề xuất kế hoạch triển khai và kinh phí thực hiện, đề xuất phương pháp thực hiện và khung báo cáo nghiên cứu.
Hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 15/5/2020
 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments