Giám sát, quan trắc và cải thiện chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản

Địa điểm: tại Xã Phù Long, huyện Cát Hải

Mô tả sáng kiến/mô hình

Trong những năm gần đây xã Phù Long, huyện Cát Hải, Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội đặc biệt từ khi cây cầu vượt biển dài nhất đông Nam Á được khánh thành và đưa vào sử dụng cùng với hàng loạt các dự án lớn của các tập đoàn kinh tế như Vin Group, Sun Group và cảng nước sâu Lạch Huyện. Theo báo cáo của UBND xã Phù Long nghề thủy sản bao gồm khai thác và NTTS là một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương, bình quân thu nhập đầu người của xã năm 2017 đạt 34 triệu đồng/người/năm. Đây là xã nông thôn có bình quân thu nhập đầu người cao so với mặt bằng chung của nông dân Việt Nam hiện nay. Mặc dù cơ cấu kinh tế của xã có nhiều thay đổi tuy nhiên nhiều người dân đã cao tuổi, hoặc thanh niên không xin được việc làm trong các công ty, khu công nghiệp, dịch vụ vẫn tham gia vào nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) và khai thác thủy sản. Mặc dù nghề NTTS và khai thác thủy sản là sinh kế chính của một số nông hộ trên xã đảo Phù Long tuy nhiên theo thống kê của huyện thì nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng giảm do hoạt động của cảng nước sâu Lạch Huyện cũng như do các hoạt động kinh tế khác.
Hình thức nuôi thủy sản chính của xã Phù Long đó là hình thức nuôi quảng canh cải tiến (QCCT) với các đối tượng nuôi chủ yếu là tôm, cua, ngao, một số hộ có ương nuôi con giống ở giai đoạn đầu trước khi thả ra đầm nuôi lớn và thay nước theo thủy chiều và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, không bổ sung thức ăn công nghiệp hoặc các sản phẩm xử lý môi trường. Hiểu biết của người dân về theo dõi và quản lý môi trường trong NTTS còn hạn chế. Các hộ chủ yếu nuôi dựa vào kinh nghiệm cũng như dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất. Do đó hiệu quả hoạt động NTTS chưa ổn định.
Nghề nuôi tôm sú theo hình thức QCCT đã được triển khai tại xã Phù Long từ năm 1990, việc  nuôi tôm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Người dân chưa được tham gia đào tạo về quản lý môi trường nước nên sự hiểu biết về lĩnh vực này rất thấp và các hộ cũng chưa có kỹ năng kiểm soát nguồn nước.  , Mô hình này tập trung vào nâng cao hiểu biết cho người nông dân về chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản tự nhiên, cách kiểm tra các yếu tố môi trường nước bằng các dụng cụ chuyên môn.
Quá trình triển khai mô hình bao gồm các bước sau:

  • Khảo sát tại địa phương về tình hình nuôi trồng và các tập quán nuôi trồng của các hộ dân. Họp thảo luận và thống nhất với chính quyền địa phương về phương pháp thực hiện với sự làm chủ của thanh niên địa phương

 

  • Tập huấn kỹ thuật về các phương pháp giám sát, quan trắc, xử lý và cải thiện chất lượng nước phù hợp với quy chuẩn môi trường Việt Nam;
  • Tập huấn kỹ thuật về phương pháp giám sát, quan trắc chất lượng nước thông qua các bộ thử có sẵn, đơn giản, kinh tế và dễ sử dụng cho các hộ gia đình;
  • Tập huấn kỹ thuật xử lý, cải thiện môi trường nước khi nồng độ các chất cao hơn -ngưỡng cho phép.

Hỗ trợ các công cụ quan trắc nước cho các hộ gia đình. Các công cụ quan trắc nước phải đơn giản, dễ sử dụng nhưng hiệu quả trong việc đánh giá nhanh chất lượng nước nhằm giúp người dân đưa ra được các quyết định xử lý nhanh bảo vệ được tài sản của mình; Các thiết bị, công cụ đã hộ trợ bao gồm: Khúc xạ kế đo độ mặn của nước, Bộ thử độ kiềm, Bộ thử độ pH, Bộ thử khí độc NO2, Bộ thử khí độc NH3, NH4.
Kết quả về mặt kinh tế
Theo đánh giá của các hộ gia đình tham gia dự án, việc áp dụng các kỹ thuật trong xử lý môi trường, quan trắc và đánh giá chất lượng nước, cũng như kỹ thuật nuôi trồng sẽ giúp cho người dân tăng được sản lượng trong vụ sắp tới.
Hiện nay các hộ gia đình vừa mới tham gia lớp tập huấn và đang trong giai đoạn xử lý ao đầm chuẩn bị cho vụ xuân 2018 (khoảng tháng 3 tháng 4 sẽ thả), do vậy hiệu quả về mặt kinh tế cần phải đến tháng 6-7/2018 mới có thể đánh giá được vụ đầu tiên. Tuy nhiên phương pháp nuôi tại xã là phương pháp nuôi gối vì vậy mà người dân thả nhiều lứa tôm trong một năm từ 4-6 lần thả tôm và thu quanh năm.  
Về chất lượng của sản phẩm tôm sú tại xã Phù Long được đánh giá là rất tốt thịt dai, thơm và ăn chắc do phương pháp nuôi tại đây là nuôi quảng canh cải tiến không nuôi thức ăn công nghiệp. Người dân mua tôm giống thả vào đầm, có hộ gia đình cho ăn 4-7 ngày đầu còn có hộ gia đình hoàn toàn không cho ăn từ ngày thả cho đến ngày thu hoạch. Thu nhập bình quân từ 6 triệu -8 triệu/tháng.
Kết quả về mặt xã hội và môi trường
Việc hỗ trợ các cộng cụ cho 11 hộ gia đình giúp cho các hộ kiểm soát môi trường nuôi hạn chế những rủi ro do thời tiết gây ra và có những phương pháp xử lý kịp thời. Bộ công cụ quan trắc và giám sát chất lượng nước đã giúp cho người dân tự tin hơn trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi trồng. Nếu trước đây người dân tại Phù Long chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm và không áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật và người dân cũng chưa sử dụng các công cụ gì để kiểm tra chất lượng nước tại ao đầm; sau khi tham gia chương trình người dân được hiểu thêm về kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong nuôi tôm sú.  
Các hộ gia đình cam kết thử chất lượng nước ao nuôi trong vòng 1 tháng sau khi được hỗ trợ, để giúp người dân quen với việc sử dụng các công cụ thiết bị kiểm tra chất lượng nước.
Ngoài việc hiểu về kỹ thuật các hộ gia đình tham gia tập huấn còn thường xuyên trao đổi với các hộ xung quanh về kỹ thuật được học và hỗ trợ nhau trong quá trình xử lý ao đầm, nuôi thả tôm, nuôi thả cua.
Ngoài việc chú ý giữ gìn chất lượng môi trường ao nuôi, người dân còn được hướng dẫn về quản lý chất thải rắn trên bờ, để tránh đưa nguồn ô nhiễm từ trên bờ như từ rác thải, từ phế thải chăn nuôi vào ao đầm.
Sau chương trình tập huấn 100% hộ dân tham gia đã tự kiểm tra chất lượng nước của đầm mình. Sử dụng thành thạo bộ thử, gia đình anh Nguyễn Văn Phượng cả vợ và chồng đều biết cách sử dụng bộ công cụ thử nước.
Các hộ dân chia sẻ việc sử dụng bộ công cụ với các hộ xung quanh và cùng nhau thực hiện các biện pháp ngăn chặn bảo vệ chất lượng nước cấp cho các ao đầm. Số lượng bộ công cụ hỗ trợ là có hạn, do vậy các hộ dân ở cùng khu với nhau đã có tinh thần chia sẻ như tại khu đầm nhà anh Nguyễn Văn Phượng có 3 hộ gia đình cùng làm nên gia đình anh đã chia sẻ và dùng chung bộ công cụ với 2 hộ còn lại.

Sáng kiến được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong ứng phó Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do CECR thúc đẩy.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments