Không nên “bẻ đũa cả nắm”

Nhìn vào các quy định như chuẩn xả thải nito và photpho vào nước, quy định xả khói bụi từ các nhà máy gạch, giấy phép xả thải cho các nhà máy thép, thuế đánh vào sản xuất túi nilon, quy định hàm lượng bụi trong không khí… thì dường như, Luật Bảo vệ môi trường đang thực hiện nhiệm vụ bất khả thi là “bẻ cả bó đũa”!
“Nhiệm vụ bất khả thi” Trên thế giới, các luật bảo vệ môi trường bắt đầu được xây dựng khi công nghiệp và đô thị phát triển, để lại hậu quả đe dọa sự sống của con người và loài vật trên trái đất, tức là khoảng cuối thế kỷ XIX. Các luật này luôn được cải thiện, thay đổi tùy thuộc vào các thách thức của công nghiệp và cuộc sống đặt ra. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường ra đời năm 1993, vừa “tròn 25 tuổi”, là một trong những Luật Môi trường “trẻ tuổi” nhất thế giới. “Trẻ” nhưng luật đã gánh trên mình những trọng trách cực kỳ nặng nề khi vừa phải giải quyết hậu quả môi trường hàng ngày, vừa phải đạt được kết quả bảo vệ sự sống, vừa phải xây dựng và thực thi trong thời gian gần như ngay lập tức. Chính vì vậy, xây dựng và thực thi các luật về môi trường luôn là bài toán khó khăn nhất, vất vả nhất, dễ không thành công nhất. Đặc biệt, trong tất cả các luật, dường như ít có luật nào đòi hỏi nền tảng khoa học và công nghệ cho cách lập luận suy nghĩ biện chứng và phải giải quyết vấn đề tận cùng để bảo vệ cuộc sống như luật này. Một trong những khó khăn của Luật Bảo vệ môi trường hiện nay là về các khách thể chính mà luật này bảo vệ, đó là thành phần nước và thành phần không khí (ngoài ra còn có môi trường đất, đa dạng sinh học…). Theo đó, bảo vệ thành phần nước là phải ngăn ngừa ô nhiễm độc hại vào nước thông qua thu gom và xử lý nước thải, rác thải. Việc xử lý các loại nước thải từ nhiều nguồn khác nhau, gồm cống rãnh đô thị, bể phốt, nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, các ngành khai khoáng, nông nghiệp, nên cần các công nghệ khác nhau, đo đạc khác nhau vì nếu chỉ sai một khâu có thể gây nguy hại cho các loài cá và chính con người. Bên cạnh đó, lượng rác thải lớn từ hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt của con người cũng làm cho nguồn nước bị ô nhiễm. Rõ ràng, để kiểm soát được ô nhiễm nước đòi hỏi các chính sách đặc thù, các công nghệ xử lý đa dạng cùng năng lực quản lý đặc thù. Còn đối với bảo vệ thành phần không khí đòi hỏi các công nghệ, kỹ thuật, cách kiểm soát khác hoàn toàn khác bảo vệ nguồn nước, vì phải xử lý các loại khí thải từ công nghiệp, giao thông, sinh hoạt để bảo vệ được các loài sống trên cạn, bay trong không khí như người, động vật, chim chóc, cây cối. Kiểm soát ô nhiễm không khí do đó cũng đòi hỏi chính sách, công nghệ và năng lực quản lý rất đặc thù. Trên thực tế, các khách thể chính mà Luật Bảo vệ môi trường phải bảo vệ có thể ví như một bó đũa với nhiều loại đũa to nhỏ khác nhau. Muốn “bẻ gãy các chiếc đũa” này đòi hỏi công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn, năng lực quản lý khác nhau. Nhìn vào các quy định như chuẩn xả thải nito và photpho vào nước, quy định xả khói bụi từ các nhà máy đóng gạch, giấy phép xả thải cho các nhà máy thép, thuế đánh vào sản xuất túi nilon, quy định hàm lượng bụi trong không khí… thì dường như, Luật Bảo vệ môi trường đang thực hiện nhiệm vụ bất khả thi là “bẻ cả bó đũa”!
Sông Nhuệ đoạn qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội bị ô nhiễm nặng 
Nguồn: kinhtedothi.vn
Nên có luật riêng về nước và không khí Luật Bảo vệ môi trường xét cho cùng là luật bảo vệ sự sống. Đó là một trong những luật nền tảng quan trọng nhất của nhiều nước. Ở một số nước khác nhau, cách giải quyết vấn đề khá đa dạng, nhưng cách tiếp cận chính để giải bài toán môi trường là chia nhỏ bó đũa theo thành phần để giải từng thứ. Ví dụ ở Hoa Kỳ, khi được hỏi vì sao không có Luật Bảo vệ môi trường mà chỉ có các chính sách môi trường và các luật bảo vệ thành phần môi trường, ông Randy Hill, luật sư cấp cao trong Bộ Bảo vệ môi trường cho biết: Thực ra, nguồn nước mặt ở Hoa Kỳ có thời bị ô nhiễm khủng khiếp, vì vậy chúng tôi phải đề ra Luật Kiểm soát ô nhiễm nước để khắc chế các nguồn ô nhiễm, gọi tắt là Luật Nước sạch. Luật này cũng chỉ tập trung bảo vệ các vùng nước mặt đòi hỏi oxy hòa tan cho cá và các loài sống dưới nước dễ bị ô nhiễm nhất. Còn các vùng nước khác thì có các luật khác. Nhờ đó, các nguồn nước ở Hoa Kỳ giờ đây tương đối sạch. Tương tự sau này, chúng tôi muốn bảo vệ không khí nên xây dựng Luật Không khí sạch. Hay như ở Hàn Quốc, lúc đầu cũng muốn “bẻ cả bó đũa” nên đề ra Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi thực tế chứng minh việc bẻ cả bó đũa không khả dĩ, họ phát triển rất nhiều luật nhỏ theo các thành phần môi trường để giải quyết vấn đề.  Lý do là xử lý nước thải đòi hỏi công nghệ khác hoàn toàn với xử lý khí thải, vì vậy không thể dùng chung một luật. Ngay trong lĩnh vực nước, Hàn Quốc tiếp tục “chẻ” nhỏ ra các luật cho các lưu vực khác nhau để giải quyết các vấn đề xảy ra hàng ngày. Nhìn vào thực tế của nước ta, Luật Bảo vệ môi trường dù “rất trẻ” nhưng đã có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đến nay, Luật đã có 2 lần điều chỉnh vào các năm 2005 và 2015 để đáp ứng với thực tế, hiện đang tiếp tục được chỉnh sửa lần thứ ba. Từ kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, thay vì phải thay đổi điều chỉnh Luật Bảo vệ môi trường, thiết nghĩ đã đến lúc ta cần áp dụng kinh nghiệm của các nước là nên giữ Luật Bảo vệ môi trường như một luật khung, dưới đó xây dựng các luật bảo vệ các thành phần môi trường riêng biệt như Luật Kiểm soát ô nhiễm nước, Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí, tức là bẻ từng chiếc đũa thay vì bẻ cả nắm. Chỉ có như vậy mới mong Luật có thể đảm đương sứ mệnh bảo vệ cuộc sống.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường, dự kiến trình Chính phủ tháng 10 tới. Theo đó, sẽ bổ sung công cụ đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư; bổ sung quy định về sàng lọc, tăng cường kiểm soát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; sửa đổi, bổ sung quy định về giấy phép môi trường theo hướng sử dụng hệ thống giấy phép liên thông, thống nhất, tích hợp các loại giấy phép môi trường, loại bỏ các giấy phép không phù hợp, trùng lặp; sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc, yêu cầu về quản lý, xử lý chất thải, phân định trách rõ nhiệm quản lý, xử lý chất thải giữa các bộ, ngành, địa phương và chủ nguồn thải…
 
Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)
Bài viết được đăng trên Báo điện tử Đại biểu nhân dân
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments