Mô hình tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn: Ủ phân hữu cơ composting liên tục

Mô hình tái chế rác thải hữu cơ tại nguồn

Mô hình 1: Ủ phân hữu cơ composting

Mục tiêu của mô hình này là giảm thiểu các loại rác hữu cơ bao gồm các phần thừa của rau củ quả, thức ăn, bã cà phê, bã chè. Các rác hữu cơ này có thể ủ composting làm phân hữu cơ, hoặc chế biến thành chế phẩm enzyme/vi sinh làm các loại nước tầy rửa bề mặt, rửa chén bát, xà phòng…

Ủ phân hữu cơ composting là quá trình phân hủy các loại rác hữu cơ (chủ yếu là rác có nguồn gốc thực vật) trong điều kiện thoáng khí để tạo thành phân hữu cơ có tỷ lệ dinh dưỡng (các bon, ni tơ) phù hợp để sử dụng cho cây trồng. Có hai mô hình ủ phân hữu cơ ở hộ gia đình đô thị được giới thiệu dưới đây:

A. Ủ phân hữu cơ composting liên tục

Mô hình này cần từ 4 – 6 thùng ủ để có thể ủ liên tục mỗi khi rác hữu cơ sinh ra.
Công tác chuẩn bị để ủ composting:
Dụng cụ:

Bao tay

Dao cắt rác hữu cơ

4 – 6 thùng sơn/thùng xốp (tùy thuộc vào số lượng rác hữu cơ tại hộ gia đình mà bố trí số thùng thích hợp)

Que trộn

Dụng cụ xúc (muôi hoặc xẻng nhỏ)

Phần nguyên liệu:

Để ủ phân composting hiệu quả, cần có lượng Carbon và Nito theo tỷ lệ và chế phẩm vi sinh như Trichoderma. Trong tài liệu này, phần cung cấp Carbon gọi là phần rác nâu. Phần cung cấp Nito gọi là phần rác xanh.

Cách chuẩn bị phần phần nâu và phần xanh như sau:

Phần rác nâu: mùn cưa, lá cây khô, bã cà phê khô, đất hữu cơ. Nên chứa phần nâu vào một thùng riêng để sử dụng

Phần rác xanh: rau củ quả thừa, vỏ trái cây, các loại lá xanh thải ra hàng ngày, cắt nhưng không quá nhỏ

Lưu ý: Không nên dùng các loại thức ăn thừa như thịt cá thừa, vì các loại rác này hay kéo các loại côn trùng tới và gây mùi khó chịu. Cũng không nên dùng các loại vỏ cam quýt, lá xả, vì các tinh dầu sẽ có tác dụng giảm thiểu quá trình phân hủy. Rác hữu cơ có nguồn gốc sữa hoặc dầu mỡ cũng không dùng được, vì chúng cũng làm giảm quá trình phân hủy. Riêng cơm thừa và các loại xương cá, có thể phơi khô rồi giã nhỏ, bổ xung vào phần xanh khi ủ sẽ rất tốt.

Chế phẩm vi sinh: để tăng hiệu quả phân hủy có thể dùng các chế phẩm vi sinh (Trichoderma) hoặc phân trùn quế  hỗ trợ cho quá trình ủ composting . Các chế phẩm này có bán sẵn ở cửa hàng sinh vật cảnh.

Quy trình ủ composting:
Ngày 1: Các bước sau tiến hành cho thùng 1 và thùng 2:
Bước 1: Đổ một lớp phần rác nâu với độ dày 10-20cm vào thùng, tiếp dến là đổ một lớp phần rác xanh 10 – 20 cm.

Bước 2: Bổ sung chế phẩm Trichoderma: Rải đểu 3-5 muỗng cà phê chế phẩm vi sinh (với tỷ lệ 2 gam/1 kg rác hữu cơ) lên bề măt rác đã xếp trong thùng/hộp.

Bước 3: Đổ phần rác nâu một lớp 10 – 15cm:Tưới một ít nước lên phía trên đống ủ.Thể tích của toàn bộ rác chiếm khoảng 3/4 thùng. Đậy nhẹ nắp thùng lại.

Lưu ý: Trong trường hợp chưa có đủ rác xanh và rác nâu để làm, có thể tiếp vào lần lượt theo lượng rác có hằng ngày, tuy nhiên phải làm song song hai thùng để quá trình ủ được xảy ra như nhau. Sau khi thể tích các thùng lên tới 3/4 thì không tiếp thêm rác nữa, mà đậy thùng lại ủ khoảng 10 – 14 ngày cho thể tích rác giảm xuống, sau đó sẽ trộn hai thùng làm một, đảm bảo thùng sau khi trộn vẫn còn khoảng trống để lưu thông khí trong thùng. Với mỗi thùng (cả thùng trước và sau khi trộn), cứ khoảng 3- 5 ngày, phải mở thùng kiểm tra nhiệt độ và đảo trộn rác. Nếu khô quá tưới thêm nước. Nếu ướt thì phải bổ xung thêm rác nâu vào.

Các bước trên được lặp lại với hai thùng trống tiếp theo.
Như vậy sau khoảng 14 ngày, sẽ có thêm thùng rác thứ hai đầy để tiếp tục quá trình ủ.
Các bước sẽ được lặp lại với hai thùng trống tiếp theo nữa. Và sau 14 ngày tiếp, ta sẽ có thêm thùng rác ủ thứ ba.
Quá trình sẽ được lăp lại cho các thùng tới ngày thứ 56, lúc đó thùng đầu tiên sẽ có phân ủ chín có thể đem sử dụng được.

Lưu ý: Đối với tất cả các thùng đang trong giai đoạn ủ thì trong 10 ngày cuối cùng trước khi phân ủ chín và dùng được thì đậy kín và không đảo trộn nữa.

Tiếp theo đó, cứ 14 ngày lại có thùng ủ chín để sử dụng.
Mô hình này giúp cung cấp phân liên tục nên gọi là mô hình ủ composting liên tục.
Lưu ý với mỗi thùng:

Không xếp đầy chặt thùng, để khoảng trống dày 5-7cm để có sự đối lưu không khí)

Không đậy nắp quá kín

Để thùng ở vị trí tránh mưa, tránh nắng gắt nóng.

Kiểm tra nhiệt độ của các thùng:

Sau 5 ngày kiểm tra nhiệt độ của hộp/thùng bằng nhiệt kế cắm vào lớp rác ủ hoặc dùng tay để sở vào bề mặt ngoài của thùng để đảm bảo nhiệt độ tối ưu là khoảng từ 50-60 độ C.

Nếu lớn hơn 60 độ C: mở nắp thùng để đảo trộn và/hoặc một ít nước lên trên

Nếu thấp hơn 50 độ C: bổ sung thêm chế phẩm sinh học và đảo trộn đều.

Nếu nhiệt độ ổn định thì định kỳ sau 10 ngày đảo trộn đều

Kiểm tra độ ẩm của sản phẩm ủ:

Nếu bóp thấy nước rỉ ra từ ngoài kẽ tay, là thừa nước, cần bổ sung lá khô, mùn cưa đểchất dẫn giảm độ ẩm.

Nếu bóp thấy rác dính chặt thì độ ẩm đạt yêu cầu.

Nếu bóp thấy rác không dính chặt thì không đủ nước, cần tiến hành tưới thêm nước vừa đủ.

Lưu ý:Trước khi sử dụng nên

Phơi gió phân từ 1-2 ngày trước khi bón cho cây trồng, với lượng phân chưa sử dung hết thì phơi khô để bảo quản dùng dần.

Mô hình trên đang được thử nghiệm tại trường Đại học Quảng Nam đến tháng 5/2018 và chưa áp dụng ở các gia đình đô thị. Nếu áp dụng cần điều chỉnh và theo dõi mang tính thử nghiệm. Có thể liên hệ với chị Triệu Thy Hòa (0987 297 187) hoặc chị Đinh Thu Hằng (Điện thoại: 091 737 9853) để tham vấn.

Nội dung được trích từ Tài liệu hướng dẫn mô hình giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải tại khu dân cư – Tài liệu của CECR

3.3 6 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments