(Chinhphu.vn) – Sáng ngày 23/5 tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp với TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quản lý rác thải đô thị bền vững: Phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải dựa vào cộng đồng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” tại Đà Nẵng.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phát sinh chất thải rắn cao của thế giới. Tại TP. Đà Nẵng, sau mỗi ngày trong mùa cao điểm du lịch, lực lượng thu gom rác phải tiến hành thu gom rác từ lúc đêm. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của TP. Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.
Chất thải rắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm cho môi trường biển nếu không được thu gom hiệu quả. Tuy nhiên, hiện việc tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn chưa được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư.
Ở các địa phương nguồn lực đầu tư dành cho công tác này còn hạn chế, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong khi nhu cầu về quản lý chất thải rắn ngày càng cao. Phần lớn công nghệ xử lý rác thải chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm, vừa triển khai hoạt động vừa hoàn thiện dây truyền công nghệ nên chưa đồng bộ, nhiều thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, chất lượng chưa cao nên sản phẩm sản xuất từ rác thải gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Việc xác định vị trí để xây dựng khu/cơ sở xử lý hoặc bãi chôn lấp còn gặp nhiều khó khăn do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; nhiều bãi chôn lấp đang quá tải, không bảo đảm các tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Rác thải tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương |