Quản lý rác thải đô thị bền vững dựa vào cộng đồng

(TN&MT)- Sáng 23/5, Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Quản lý rác thải đô thị bền vững: Phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải dựa vào cộng đồng.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” tại Đà Nẵng.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (ADB), Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phát sinh chất thải rắn cao (chiếm 16% tổng lượng chất thải rắn của thế giới). Tại TP. Đà Nẵng, vào mùa cao điểm du lịch, sau mỗi ngày bãi biển trở thành “bãi rác”, lực lượng thu gom rác của thành phố phải tiến hành thu gom rác từ lúc giữa đêm. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.
Chất thải rắn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm cho môi trường biển nếu không được thu gom hiệu quả. Tuy nhiên, việc tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn chưa được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Ở các địa phương nguồn lực đầu tư  dành cho công tác này còn rất thấp, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong khi nhu cầu về quản lý chất thải rắn ngày càng bức xúc. Phần lớn công nghệ xử lý rác thải chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm vừa triển khai hoạt động vừa hoàn thiện dây truyền công nghệ nên chưa đồng bộ, nhiều thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, chất lượng chưa cao nên sản phẩm sản xuất từ rác thải gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Việc xác định vị trí để xây dựng khu/cơ sở xử lý hoặc bãi chôn lấp còn gặp nhiều khó khăn do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; nhiều bãi chôn lấp đang quá tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác một số dự án đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhưng ngân sách của địa phương không đủ chi trả chi phí xử lý. Nhất là ý thức nhận thức của bộ phận cộng đồng về bảo vệ môi trường còn thấp. Các vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt rác bừa bãi, đổ trộm phế thải vẫn còn rất phổ biến.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phát sinh chất thải rắn cao
Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng phát sinh chất thải rắn cao
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg Ngày 7/5/2018 về Điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015 tầm nhìn đến 2050 đặt ra mục tiêu tất cả các đô thị đặc biệt, loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với phân loại tại hộ gia đình; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; 80% lượng CTR SH khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý…; 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hạị phải được thu gom, xử lý; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường…. Thế nhưng với hiện trạng xử lý chất thải rắn như hiện nay, mục tiêu này xem ra khó thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong việc thực hiện hạn chế phát thải chất thải rắn. Cụ thể, đối với các dự án ưu tiên như: thí điểm phân loại rác thải tại nguồn, người dân là chủ thể; sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng; hạn chế sử dụng túi nilon, tái chế sử dụng sản phẩm nhựa…
Theo TS. Chu Mạnh Trinh, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) từ năm 2009, người dân Cù Lao Chàm đã “nói không với túi ni lông”. Đến năm 2018, người dân Cù Lao Chàm không chỉ nói không với túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn mà đã nói không với ống hút nhựa và các sản phẩm chế biến từ nhựa.
Phân loại, thu gom rác thải tại nguồn dựa vào cộng đồng là giải pháp để quản lý rác thải đô thị bền vững
Phân loại, thu gom rác thải tại nguồn dựa vào cộng đồng là giải pháp để quản lý rác thải đô thị bền vững
“Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền bài bản đến người dân, chính quyền xác định người dân phải là chủ thể cho hoạt động. Họ là người trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động bảo vệ môi trường vì Cù Lao Chàm chỉ có thể phát triển du lịch nếu như giữ được xanh, sạch, đẹp. Họ cũng đồng thời trở thành người tư vấn trực tiếp cho các cộng đồng khác”- TS. Chu Mạnh Trinh chia sẻ.
Bà Nguyễn Ngọc Lý- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng động cho rằng: Trong khuôn khổ dự án tập trung thúc đẩy tạo ra một văn hóa bảo vệ môi trường. Trong đó, rác thải tài nguyên phải được tái chế, rác thải hữu cơ thì có thể làm mô hình ủ phân composite thay đổi hành vi sử dụng túi nilon.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm của công dân về bảo vệ môi trường đồng hành cùng với các cấp chính chính quyền. Trách nhiệm của chúng ta là phải tham gia vào công tác này vì chính chúng ta thải ra rác, ăn một cây kẹo cũng thải ra rác, uống một ly nước cũng để lại rác. Nếu mỗi người hình thành thói quen phân loại, thu gom và sử dụng rác thải một cách dự nhiên thì sẽ hình thành văn hóa bảo vệ môi trường”- bà Nguyễn Ngọc Lý chia sẻ.

Lan Anh

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments