Thanh niên có thể làm gì để tiên phong thích ứng với biến đổi khí hậu?

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven biển thuộc vùng đồng bằng sông hồng. Nghề nghiệp chính của mọi người trong gia đình tôi là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Từ bé tôi đã được theo bố mẹ xuống vùng, đầm để xem mọi người thu hoạch tôm  cua cá. Trong kí ức tuổi thơ lúc đó mẹ thiên nhiên rất hiền hòa nên mỗi vụ thu hoạch đều thắng lớn. Tôm cá tự nhiên thu hoạch được có khi được vài chục cân trong một đêm. Chưa kể cua rèm và tôm sú nuôi thả cũng cho năng suất cao.
Nhưng khoảng 10 năm trở về đây mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Nguồn lợi tự nhiên ngày một ít đi. Công việc nuôi thả cũng không còn được thuận lợi như trước đó, đôi khi là thua lỗ. Vì môi trường ngày càng ô nhiễm, khí hậu thay đổi thất thường, mùa hè thì nóng hơn, mùa đông thì lạnh hơn nên tôm cua dễ bị nhiễm bệnh. Nhất là mực nước biển ngày một lớn. Có những thời điểm chuẩn bị thu hoạch tôm thì gặp bão, nước dâng ngập bờ vùng tôm đi hết hoặc đôi khi gặp rét đậm tôm chết hết vậy là mất trắng. Việc nuôi thủy sản trước đây là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi thì giờ đây chỉ biết trông vào may mắn. Năm nào trời mưa thuận gió hòa  kiểu “ông trời phù hộ” thì có nguồn thu, còn năm nào “trời không cho” thì đành chịu mất.
Còn về cấy lúa, thì cũng do thời tiết biến đổi nhiều, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão,lũ lụt, nắng dài ngày, rét đậm rét hại, xâm nhập mặn,…gia tăng và thất thường nên cũng vô cùng khó khăn. Lúa mới cấy gặp dịp rét đậm rét hại thì chết nên phải gieo mạ để cấy lại. Có khi lúc cấy thì thuận lợi nhưng đến lúc gần được thu hoạch thì lại gặp bão lúa đổ, nước ngập hoặc gặp mưa dài ngày không thu hoạch được nên lúa chưa kịp thu hoạch đã mọc mầm ngoài ruộng. Gia đình tôi cũng như các gia đình khác cũng chỉ biết ra đồng lội nước kéo những bông lúa bị đổ, hoặc thu hoạch những bông lúa mọc mầm về đợi trời nắng phơi ra để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Cuối năm 2015, may mắn tôi được tham gia chương trình thanh niên tiên phong thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc các tỉnh ven biển đồng bằng sông hồng do tổ chức MCD, CECR phối hợp thực hiện tại Thái Bình. Tôi được nghe những chia sẻ từ các giáo sư, các lãnh đạo của các ngành có liên quan và được giao lưu, học hỏi từ các đồng chí đoàn viên thanh niên của các tỉnh khác về việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó tôi nhận thức ra được rất nhiều thứ mà trước đây tôi còn mơ hồ chưa hình dung ra. Trước đó tôi mới chỉ biết đến cụm từ biến đổi khí hậu qua báo, đài, tivi, biết rằng biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của con người, mà chưa từng nghe thấy cụm từ thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau những ngày tập huấn sôi nổi và bổ ích tôi có ấn tượng rất mạnh với những điều nghe được, học được bởi những kiến thức đó đã và đang hiện hữu trong cuộc sống của tôi và gia đình. Tôi bắt đầu tìm tòi thêm trên mạng và được dự các buổi tập huấn tiếp theo. Tôi biết mình cần thay đổi, cần biến những điều nghe được, học được thành hành động để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 2016, gia đình tôi thay đổi thời vụ thả tôm để khắc phục khó khăn do thời tiết gây ra. Trước kia thời điểm thả tôm thường vào tháng 3 đến tháng 4 nên thời điểm thu hoạch thường vào tháng 7 đến tháng 8 hay gặp bão hoặc mưa nhiều. Nên thay vì thả tôm giống vào trung tuần tháng 3 nhà tôi đã thả trước từ một đến hai tháng và thu hoạch được sớm hơn nên tránh được mùa mưa bão như trước kia và bước đầu cho kết quả tốt. Bên cạnh đó, kết hợp trồng cây quanh bờ vùng để giữ bờ và có bóng mát trong những ngày nắng nóng. Thí điểm nuôi thêm một số giống cá có giá trị kinh tế cao phù hợp với môi trường tại địa phương như cá hói, cá song.
Về việc trồng lúa, gia đình tôi cũng như các hộ nông dân khác được sự tư vấn, tuyên truyền của các cán bộ, kĩ sư nông nghiệp nên đã và đang mạnh dạn chuyển đổi từ các giống lúa dài ngày, chịu mặn kém sang các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn cao và khả năng kháng sâu bệnh tốt. Gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong thí điểm những giống lúa mới vì tôi biết cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu thì việc phát triển kinh tế gia đình mới ổn định được.
Ngoài ra tôi tích cực chia sẻ những nhận thức của mình với các hộ gia đình xung quanh. Tiếp tục, hăng hái tham gia học tập và tập huấn các lớp cho thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu, là một trong những thành viên tích cực đóng góp ý kiến, ý tưởng cho mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước nợ của đoàn thanh niên xã Nam Phú. Và đã nhận được sự tài trợ của chương trình tại địa phương cho 20 mươi hộ gia đình đã và đang đạt kết của tốt. Tuy tôi ko được nhận hỗ trợ nhưng với những kiến thức và nhận thức mà tôi có được từ chương trình tôi thấy rất bổ ích và thiết thực. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện áp dụng vào cuộc sống gia đình cũng như trong công việc của tôi. Tôi đang mạnh dạn nuôi thí điềm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước mặn tại đầm nhà mình. Rất mong nhận được sự quan tâm của chương trình.

Tác giả: Phạm Đức Trọng; sinh năm 1989
Địa chỉ: Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bính

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments