Khu dân cư Thuận An 4 là một trong hai khu dân cư của phường Xuân Hà, quận Thanh Khê được chọn làm thí điểm trong giai đoạn đầu của Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng hợp tác với Ủy ban Nhân dân Quận Thanh Khê thực hiện. Sau khi tiếp nhận quyết định của UBND phường Xuân Hà, Ban chỉ đạo khu dân cư Thuận An 4 đã họp và thống nhất cách thực hiện việc thu gom, phân loại rác tài nguyên. Tại khu dân cư, việc tuyên truyền, giám sát và ghi chép số liệu sẽ được thực hiện theo từng tổ dân phố. Trong đó, mỗi tổ sẽ có tổ trưởng tổ dân phố chịu trách nhiệm điều phối và phối hợp các thành viên bản chỉ đạo khu dân cư tuyên truyền, hướng dẫn giám sát và ghi chép số liệu thực hiện việc phân loại rác tài nguyên tại các hộ gia đình.
Để các hoạt động được triển khai có tổ chức và đạt hiệu quả cao, không thể không nhắc đến vai trò của ban chỉ đạo khu dân cư, một trong số những thành viên tiêu biểu đó là cô Nguyễn Thị Tình, phó Bí thư chi bộ – Hội trưởng Chi hội Phụ nữ, đồng thời là phó Trưởng ban chỉ đạo dự án khu dân cư Thuận An 4 với những kinh nghiệm trên 10 năm trong hoạt động đoàn thể , hội phụ nữ và cộng đồng. Vai trò của hội phụ nữ trong ban chỉ đạo khu dân cư còn thể hiện rõ trong việc chịu trách nhiệm giám sát và ghi chép số liệu phân loại rác tài nguyên.
Cô Tình cũng chia sẻ, ở Thuận An 4 việc thu gom, phân loại rác diễn ra khá thuận lợi do các hộ dân hưởng ứng rất nhiệt tình, lượng rác nếu ở mỗi gia đình quá nhiều thì người dẫn sẽ chủ động đem rác đến tập kết tại nhà cô, còn nếu không thì sẽ bán trực tiếp và gửi số liệu, số tiền bán được lại cho ban chỉ đạo. Song song với sự chủ động của người dân thì việc các thành viên trong ban chỉ đạo đi thu gom và bán rác tài nguyên diễn ra điều đặn hằng tuần. Số tiền rác tài nguyên bán được của mỗi tuần dao động từ 70.000 cho đến 110.000 đồng. Số tiền này được sử dụng cho các mục đích công tác xã hội tại địa phương như hỗ trợ các gia đình khó khăn, tặng quà cho con em hiếu học trong khu dân cư. Phong trào thu gom rác tài nguyên đã được chi hội phụ nữ Thuận An 4 thực hiện từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên cũng theo cô Tình năm nay phong trào càng được phát triển có hiệu quả hơn, có số liệu cụ thể là do có sự chỉ đạo từ UBND phường, sự tham gia của các cấp chính quyền, lãnh đạo tổ dân phố, lãnh đạo đảng bộ khu dân cư và các đoàn thể và sự hỗ trợ từ phía dự án “Đại dương không nhựa”.
Cùng với hoạt động phân loại rác tài nguyên, Thuận An 4 cũng thực hiện mô hình tái chế rác thải hữu cơ làm phân composting. Chiều ngày 06/08 đã diễn ra buổi tập huấn thực hiện mô hình Ủ phân hữu cơ composting cho các 6 hộ gia đình Thuận An 4 đăng ký thực hiện và các thành viên ban chỉ đạo khu dân cư. Từ đây, các thành viên ban chỉ đạo sẽ trở về tuyên truyền trong các hội đoàn thể và đơn vị và tới các hội viên, hộ gia đình mình phụ trách để nhân rộng mô hình tái chế rác hữu cơ.
Tại buổi tập huấn, dưới sự hướng dẫn chi tiết và trực quan của cán bộ kỹ thuật, các hộ dân nhận thấy rằng đây là một mô hình dễ dàng triển khai và thực hiện tại hộ gia đình có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ để trồng rau sạch, trồng cây cảnh. Sau đó, các hộ dân đã trực tiếp thao tác thực hiện ủ phân hữu cơ dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để có thể đảm bảo quá trình ủ phân được diễn ra một cách tốt nhất. Với sự hỗ trợ từ dự án Đại dương không nhựa, ngoài kiến thức và kỹ thuật, các hộ dân cũng được hỗ trợ chế phẩm sinh học ( giúp quá trình ủ đạt hiệu quả tốt hơn và chất lượng phân sau ủ được nâng cao) và tờ hướng dẫn thực hiện mô hình tại gia đình. Không chỉ có sự trao đổi một chiều từ phía chuyên gia, tại buổi làm việc này, các hộ dân cũng chủ động đưa ra nhiều thắc mắc, ý kiến liên quan đến kỹ thuật ủ phân, kinh nghiệm bón lót cho cây trồng, những kinh nghiệm đã từng làm để cùng thảo luận và giải đáp, từ đó giúp mỗi hộ hiểu rõ về kỹ thuật, cách thực hiện. Mô hình sẽ tiếp tục được cán bộ dự án, chuyên gia kỹ thuật đồng hành trong quá trình thực hiện để tiếp tục cải tiến chất lượng, thực sự đem lại lợi ích cho các hộ gia đình thực hiện.
Tin từ CECR