Dự án Đại dương không nhựa
Thực hiện mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái chế rác thải trong khu dân cư Thuận An 5- phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng
Khu dân cư Thuận An 5 là một trong hai khu dân cư của phường Xuân Hà, quận Thanh Khê được chọn làm thí điểm trong giai đoạn đầu của Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng hợp tác với Ủy ban Nhân dân Quận Thanh Khê thực hiện.
Sau khi có quyết định của UBND phường Xuân Hà, ban chỉ đạo dự án Thuận An 5 đã họp và thống nhất cách thức triển khai trong công tác tuyên truyền, giám sát và ghi chép số liệu. Cụ thể, ban chỉ đạo đã chia khu dân cư thành 6 nhóm và mỗi nhóm do 1 thành viên ban chỉ đạo phụ trách công tác giám sát, đôn đốc và hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tài nguyên. Cùng với đó có thành viên chịu trách nhiệm giám sát chung và ghi chép số liệu, kết quả thực hiện. Về phương thức thu gom, nhóm quyết định sẽ chọn một ngày cố định trong tuần để thu gom từ các hộ gia đình và kết hợp với một chị thu gom phế liệu sống tại khu dân cư để ghi chép lại số liệu rác tài nguyên đã phân loại. Việc này vừa giúp tiết kiệm thời gian cho các thành viên ban chỉ đạo vừa giúp tăng thu nhập cho người thu gom phế liệu.
Họp ban chỉ đạo Khu dân cư Thuận An 5
Sau khi thống nhất cách thức thực hiện, các tổ trưởng tổ dân phố tiến hành truyền thông, phát tài liệu và dụng cụ cho các hộ dân trong tổ mình phụ trách, trong buổi tuyên truyền cũng có sự tham gia và có ý kiến của ban chỉ đạo khu dân cư nhằm giúp người dân hiểu đúng và hiểu rõ mục tiêu và cách thức thực hiện.
Họp triển khai mô hình thu gom, phân loại rác tài nguyên tại tổ 45, khu dân cư Thuận An 5
Vào chiều ngày 25/07 nhóm thực hiện dự án đã cùng ban chỉ đạo khu dân cư (bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, …) tiến hành khảo sát sơ bộ các hộ dân thực hiện mô hình nhằm đánh giá bước đầu trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong việc giảm thiểu, thu gom, phân loại rác tại cộng đồng.
Phỏng vấn các hộ gia đình triển khai mô hình thu gom, phân loại rác tài nguyên
Qua phỏng vấn, nhóm dự án nhìn thấy sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức các hộ gia đình. Trước khi mô hình được triển khai thì chỉ có khoảng ⅓ số hộ dân (trong tổng số hộ được phỏng vấn) thực hiện việc thu gom, phân loại rác tài nguyên (rác bán được). Sau khi mô hình được triển khai thông qua các hoạt động truyền thông cấp quận, cấp phường, cấp khu dân cư và các cuộc họp tổ dân phố cũng như thông qua các đoàn thể (hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên,…), các hộ gia đình được cung cấp kiến thức, tài liệu, dụng cụ để thực hành việc phân loại rác tài nguyên với số lượng hộ dân thực hiện việc phân loại, thu gom đã tăng lên ¾ , dù đây mới chỉ là ghi nhận bước đầu tuy nhiên cũng đã chứng minh được sức lan tỏa và thay đổi nhận thức trong cộng đồng của mô hình dự án. Cùng với hoạt động phân loại rác tài nguyên, ban chỉ đạo khu dân cư cũng đưa ra sáng kiến về thùng rác thân thiện môi trường với sự tham gia của 100% các hộ gia đình trong khu dân cư để giúp cho môi trường khu dân cư trong lành và xanh đẹp hơn. Bên cạnh đó, phỏng vấn chỉ ra được người dân đã nhận thức được hành động làm sạch, để ráo phần các chai lọ trước khi đưa vào bao đựng, đây là việc nên làm và cần phải làm với mỗi lần thu gom, phân loại bởi việc lưu trữ rác tài nguyên trong mỗi gia đình trước khi đưa về nơi tập kết mà không làm sạch thì sẽ gây bốc mùi, thu hút các côn trùng gây ảnh hưởng xấu sức khỏe, thẫm mĩ và môi trường của gia đình. Theo ý kiến của bác Đặng Văn Thi, bí thư chi bộ khu dân cư-trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án, để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân thuộc nhiều đối tượng khác nhau, công tác vận động tuyên truyền ở cấp khu dân cư sẽ được thực hiện thường xuyên và thiết thực vì đây là trách nhiệm của mỗi công dân và vai trò lãnh đạo của chính quyền, đoàn thể là rất quan trọng.
Nhóm thu gom rác tài nguyên ở khu dân cư Thuận An 5