Xuân Hà vì môi trường xanh, sạch

Trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có khá nhiều mô hình hay, hiệu quả về môi trường lan tỏa trong các khu dân cư (KDC), trong đó phải kể đến chương trình “Đại dương không nhựa” triển khai tại KDC Thuận An 4, phường Xuân Hà.
Nhiều hộ dân ở quận Thanh Khê tận dụng chất thải hữu cơ để trồng rau sạch. Ảnh: Ng. Hà
Nhiều hộ dân ở quận Thanh Khê tận dụng chất thải hữu cơ để trồng rau sạch. Ảnh: Ng. Hà
Triển khai chỉ hơn mấy tháng nay, nhưng chương trình “Đại dương không nhựa” do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng Việt Nam (CECR) phối hợp cùng UBND quận Thanh Khê thực hiện đã được người dân trong KDC Thuận An 4 hưởng ứng nhiệt tình. Tại nhà ông Nguyễn Tá Chính, Bí thư Chi bộ Thuận An 4, tận dụng khoảng sân trống trước nhà, gia đình ông đặt những thùng xốp để trồng rau sạch bằng phân vi sinh. Ông Chính cho biết, KDC Thuận An 4 và Thuận An 5 của phường Xuân Hà được UBND quận chọn làm thí điểm chương trình “Đại dương không nhựa”. “Đây là hoạt động ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề và rác thải quá tải nên rất được người dân hưởng ứng. Là cán bộ, tôi động viên gia đình phân loại rác thải, sử dụng rác hữu cơ như rau, củ, quả thừa, xác cà-phê ủ làm phân bón cho cây”, ông Chính nói. Bà Nguyễn Thị Tình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thuận An 4 cho biết thêm, trong KDC có 50 hộ tham gia thực hiện tái sử dụng rác thải theo hình thức này. Mới đây, CECR đã khảo sát và hướng dẫn kỹ thuật cần thiết cho người dân. Kế tiếp, các hội, đoàn thể cùng phối hợp tổ chức tuyên truyền trong KDC, đến từng nhà dán bảng hướng dẫn phân loại rác thải, phát túi đựng rác tài nguyên… Theo bà Tình, không phải ngẫu nhiên KDC Thuận An 4 được chọn thí điểm tại Xuân Hà và nhận được sự đồng thuận của người dân, mà đó là kết quả của việc chung tay bảo vệ môi trường được thực hiện nhiều năm qua. Cách đây 4 năm, Chi hội Phụ nữ Thuận An 4 đã khởi xướng phong trào sử dụng các thùng sơn cũ, cạo rửa, in chữ lên và phân phát cho từng hộ để góp phần mang lại môi trường sạch sẽ, bảo đảm mỹ quan đô thị. Ngoài ra, chi hội cũng vận động chị em thu gom rác thải như: chai nhựa, giấy, báo cũ, vỏ lon bia, sắt vụn… Mỗi tuần 1 lần, cán bộ hội cùng một số chị em nòng cốt đến từng gia đình để thu gom rác thải rồi phân loại, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Số tiền bán được gây quỹ giúp học sinh nghèo, học sinh có thành tích xuất sắc và chi cho hoạt động của chi hội. Chị Nguyễn Thị Long, Tổ trưởng tổ 43, một người gắn bó với phong trào Hội nhiều năm cho hay: “Chúng tôi phải làm gương trước thì người dân mới tin tưởng, tuyên truyền dễ dàng hơn. Ý thức về môi trường của người dân sẽ nâng lên rõ rệt khi đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp”, chị Long chia sẻ. Chị Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết thêm, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường là nhiệm vụ được Quận Hội chú trọng triển khai và chỉ đạo Hội LHPN cơ sở thực hiện như: tuyên truyền thực hiện sử dụng túi nilon thân thiện môi trường, tận dụng vải bạt cũ may túi, phát thùng sơn cũ, giỏ nhựa đi chợ cho hội viên… Dự án “Đại dương không nhựa” do Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp triển khai tại phường Xuân Hà gồm thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố xanh và thông minh”. Dự án này cũng đóng góp cho mục tiêu quan trọng trong chiến lược quản lý chất thải rắn tại Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo bà Huệ, dự án nêu rõ, để chiến lược này thành công, đòi hỏi phải có các quy định và chính sách tốt, cũng như sự thay đổi hành vi và sự tham gia tích cực của mọi công dân, mọi doanh nghiệp trong công tác phân loại, tái chế rác thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Dẫn theo tin bài của Baodanang.vn
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments