Hội thảo "Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước"

DSC_7014-compressedSáng ngày 8 tháng 5 tại Hà Nội, Liên minh Nước sạch cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước”. Tham gia và chủ trì hội thảo là đại diện lãnh đạo Ủy ban KHCNMT phó chủ nhiệm Phạm Tuấn Nhân và Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường ông Mai Thanh Dung.
Mục đích của Hội thảo nhằm để trao đổi về những bất cập trong chính sách và hệ thống văn bản hiện hành liên quan tới vấn đề kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước. Qua đó trao đổi và đề xuất giải pháp hành động để dừng và đảo ngược xu thế ô nhiễm nước đang ngày càng trầm trọng ở nước ta hiện nay. Trong đó, cần xem xét đề xuất kiến nghị Quốc hội khóa XIV thực hiện giám sát tối cao về môi trường nước và đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội một Luật riêng về Kiểm soát ô nhiễm nước với tính thực thi cao như nhiều nước trên thế giới đã ban hành nhằm góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Tại hội thảo Ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBKHCN&MT Quốc hội cho biết: Trong suốt 25 năm qua, chúng ta đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nâng cao mức sống cho hàng triệu người và đạt được sự giảm nghèo hiệu quả. Năm 2014, GDP của nước ta tăng 5,9%, trở thành nước tăng trưởng nhanh thứ hai sau Trung Quốc (Công bố của Tổng cục thống kê, 12/2014). Tuy vậy, do nền kinh tế của nước ta còn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng. Sự phụ thuộc này đã dẫn đến tình trạng suy thoái hóa đất, suy thoái rừng, suy thoái nguồn lợi hải sản ven bờ do khai thác đánh bắt cá quá mức và nhất là suy thoái môi trường đặc biệt là môi trường nước. Cùng với sự đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp, các vấn đề về môi trường như rác thải, ô nhiễm ngày càng trở nên bức xúc, trong đó tình trạng ô nhiễm nước ngày càng trở nên trầm trọng, đã và đang gây ra vấn đề bất ổn trong xã hội. Theo thống kê hiện Việt Nam cókhoảng 2.360 con sông dài trên 10 km và hàng ngàn hồ, ao. Ngoài ra còn có hai vùng đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam với các đồng lúa nước rộng lớn. Các nguồn tài nguyên nước là nơi cư trú của các thảm động vật và thực vật độc đáo, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm ngàn loại thực vật cây cối, nơi sống của các loài cá và động vật hoang dã bản địa, và cũng là nền tảng cư trú cho hàng triệu người dân Việt Nam. Điều không may là những nguồn nước của chúng ta đang ngày càng bị suy thoái, thậm chí một số nguồn nước bị phá hủy do ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động mang mục tiêu kinh tế và sự khai thác cho mục đích sinh hoạt của con người. Ô nhiễm môi trường nước hiện nay của nước ta đã và đang có xu hướng phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tình trạng ô nhiễm nước đã làm tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới hiệu quả và tính cạnh tranh sản phẩm của các ngành, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp. Về tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe nhân dân, theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, có tới 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng nước bị ô nhiễm.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã chia sẻ vai trò quan trọng của tài nguyên nước và thực trạng về ô nhiễm nguồn tài nguyên nước hiện nay. Có khoảng 50% các tin bài báo hàng ngày phản ánh về ô nhiễm nước, gần 50% còn lại là các tin về ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, quản lý chất thải đô thị, quản lý môi trường, quản lý đa dạng sinh học. Vì vậy nếu được đưa vào bảng cân đối kế toán các chi phí trực tiếp do ô nhiễm moi trường gây ra và các chi phí chi trả cho việc xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm nước, không khí, cũng như chi phí gián tiếp cho việc chữa các bệnh gây bởi ô nhiễm môi trường thì GDP tăng trưởng của Việt Nam có thể thấp hơn từ 5-10%.
Cũng theo Bà Ngọc Lý, từ góc độ kinh tế, nước là nguồn nguyên liệu, là môi trường cho sản xuất, khai thác, là môi trường cho dịch vụ du lịch…Nước chỉ có thể phục vụ kinh tế như nguyên liệu và môi trường cho khai thác dịch vụ khi nước tự nhiên có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm. Nếu ở trạng thái ngược lại, tức là bị  ô nhiễm, thì không những nước không phục vụ được các chức năng trên mà còn là gánh nặng và phải chi phí rất cao để xử lý ô nhiễm thành nước sạch. Nước sạch là điều kiện cần và tiên quyết và có thể coi là nguồn tài sản cho sự phát triên kinh tế. Trước thực trạng như vậy, Bà Ngọc Lý đã đề xuất với quốc hội, các bộ, ban ngành xem xét tạo một hành lang pháp lý xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào nhiệm kỳ tới để nhanh chóng khắc phục ô nhiễm và tạo nguồn nước là tài sản nền tảng phục vụ cho sự phát triển kinh tế và tạo môi trường cho động thực vật dưới nước sinh sống được.
Đại diện Bộ TN&MT, Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý TN&MT đã nêu ra những khó khăn và thách thức trong việc thực thi hệ thống chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước của nước ta. Hiện nước ta vẫn còn những khoảng trống pháp lý như trong quy hoạch: Chưa phân định rõ trách nhiễm tham gia lập quy hoạch và chế tài xử lý; chưa thể hiện các nguyên tắc ưu tiên trong xác định các hoạt động và phân bổ kinh phí; chưa xác định chi tiết và phân định trách nhiệm quản lý, thực hiên cho các bộ, ngành, địa phương; chưa xác định được vị trí, mối quan hệ giữa các quy hoạch. Ngoài ra còn có những khó khăn khác như đánh giá môi trường; quan trắc, theo dõi giám sát TNN; kiểm soát nguồn thải, khắc phục ô nhiễm, ứng phó sự cố; bồi thường thiệt hại; nguồn tài chính…
Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều nhất trí cần phải đề ra Luật kiểm soát ô nhiễm nước – Đây là sự nỗ lực tâm huyết của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. Tuy nhiên, để những đề xuất đó thành hiện thực thì cũng cần phải cân nhắc, có lộ trình, xây dựng phải cụ thể, có tính khả thi trong thực tế. Ngoài ra cũng phải có nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments