XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THÀNH LẬP THỊ TRƯỜNG CARBON

Hiện nay, việc triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon là xu thế tất yếu của thế giới bởi những lợi ích về tiết kiệm chi phí mà nó đem lại. Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam cũng đang dần triển khai thực hiện thị trường carbon với tham vọng thúc đẩy phát triển công nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.

Do đó, việc xây dựng Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm cụ thể hóa quy trình thiết lập và vận hành thị trường carbon. Theo nội dung Tờ trình của Bộ TN&MT về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có thêm nguồn tài chính từ việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon (theo chương trình hợp tác hoặc theo cơ chế tự nguyện khác), và tiếp nhận công nghệ phát thải thấp từ các nước phát triển. Cơ sở cho việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp này đã được đặt ra từ năm 2011 trong Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp chỉ được trao đổi theo cơ chế hợp tác quốc tế chứ không mua bán tín chỉ carbon. Còn hiện tại, theo Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2021 theo đóng góp do quốc gia tự quyết định, bên cạnh đó cũng cần áp dụng các công cụ định giá carbon trong việc phát triển thị trường carbon trong nước.

Trên cơ sở nội luật hóa cam kết quốc tế trên, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon, bao gồm việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Còn lộ trình và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước được ghi nhận chi tiết tại Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Ngoài ra, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.

 

Nguồn: Báo điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi trường

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments