Cải thiện chất lượng môi trường nước trong chăn nuôi thủy sản tại xã Nam Phú

Xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình là một xã ven biển với hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động khai thác thủy sản. Từ những năm 2010 trở lại đây do hoạt động cấy lúa có hiệu quả kinh tế thấp nên chính quyền địa phương huyện Tiền Hải đã cho phép người dân ở một số vùng trong đó có Nam Phú chuyển đổi một số vùng đất trũng sang hoạt động nuôi trồng thủy hải sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Trước khi triển khai dự án READY, hầu hết các hộ nuôi thủy sản ở Nam Phú áp dụng hình thức nuôi cá nước ngọt hoặc tôm sú là chủ yếu. Đối với mô hình nuôi cá nước ngọt thường có hiệu quả thấp vì tại các vùng ven biển nhu cầu các loại cá nước ngọt (bao gồm cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi) ít trong khi đó sản lượng nuôi của địa phương thấp nên không đủ hấp dẫn các thương lái đến mua để vận chuyển đi các vùng khác. Mô hình nuôi tôm sú tại Nam Phú nói riêng và các tỉnh khác của Việt Nam nói chung đã gặp nhiều khó khăn như thời gian nuôi dài, mật độ nuôi thấp và dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế thấp và không hấp dẫn người nuôi.
Việc lựa chọn đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) có nhiều ưu điểm là đối tượng có thể thích ứng với điều kiện môi trường có độ mặn từ 0-35ppt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Nam Phú vì hầu hết các đầm nuôi ở đây là nước ngọt. Tôm thẻ chân trắng có lợi thế khác là thời gian nuôi ngắn khoảng 3 tháng và điểm hòa vốn khoảng 50 ngày nên giảm thiểu rủi ro cho người nuôi. Bên cạnh đó tôm thẻ chân trắng có thể thả với mật độ cao nên có thể nâng cao năng suất/đơn vị diện tích ao nuôi. Lợi thế quan trọng nhất đó là nhu cầu thị trường đối với đối tượng nuôi này còn rất lớn, đảm bảo đầu ra của sản phẩm.
Mặc dù nghề nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm, tuy nhiên người nuôi thủy sản tại Nam Phú chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức thả nuôi đối tượng này, đặc biệt là việc quản lý  chất lượng nguồn nước ao nuôi. Cũng do chưa có nhiều kiến thức và thông tin về chất lượng nước, các hộ dân chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc quản lý nguồn nước nên việc nuôi trồng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.  Vì vậy việc lựa chọn sáng kiến Cải thiện chất lượng môi trường nước trong chăn nuôi thủy sản tại xã Nam Phú là sáng kiến được cả chính quyền địa phương và người dân ủng hộ và mong đợi.  
Mục tiêu chính của sáng kiến là giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản và các kỹ thuật bền vững giúp cho người dân kiểm soát được chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ngoài ra các kỹ thuật nuôi tôm từ các khâu chuẩn bị ao nuôi, đến chọn giống, ương tôm, thức ăn, phòng bệnh…cũng được cung cấp đồng bộ.

  • Quá trình thực hiện sáng kiến  bao gồm các bước chinh như sau: Khảo sát và lựa chọn hộ tham gia tổ/nhóm theo tiêu chí: có kinh nghiệm nuôi tôm từ 2 vụ trở lên, có điều kiện kinh tế đáp ứng cho việc nuôi tôm theo các yêu cầu kỹ thuật; cam kết tham gia và thực hiện theo đúng kỹ thuật đã được chuyển giao ít nhất 01 vụ; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn cho các gia đình cùng nuôi tôm khác chưa đủ điều kiện tham gia vào chương trình. Từ 40 hộ khảo sát, 20 hộ gia đình có đủ điều kiện về kinh tế cũng như đảm bảo về công cụ sản xuất như quạt, máy bơm, thuyền, chài, lưới,…đã được lựa chọn tham gia vào dự án và có xác nhận của UBND xã.
  • Tập huấn kỹ thuật về xử lý chất lượng môi trường nước ao nuôi, và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ gia đình được lựa chọn. Chương trình tập huấn được  để thiết kế phù hợp dựa trên các thông tin từ khảo sát các hộ gia đình. Chương trình tập trung vào nâng cao những kỹ thuật cần thiết nhất nhưkỹ thuật kiểm tra chất lượng nước ao nuôi và xử lý nước ao nuôi. Chương trình tập huấn áp dụng phương pháp học tích cực, dựa ngay trên thực tiễn:  20 hộ dân được chia thành 2 nhóm, các nhóm sẽ thảo luận về các phương pháp kỹ thuật đang áp dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng, giảng viên sẽ trực tiếp thảo luận, chia sẻ thêm những kinh nghiệm để giúp nuôi tôm tốt hơn, hướng dẫn trực tiếp các sử dụng các công cụ cũng như Ngoài việc học và thảo luận theo nhóm thì thảo luận đầu bờ được diễn ra ngay sau khi học lý thuyết.

Các tổ/nhóm được hướng dẫn kỹ thuật kiểm tra môi trường nước ao nuôi, xử lý môi trường nước và kỹ thuật nuôi tôm bốn đợ như sau:
Đợt 1: Tập trung vào xử lý môi trường ao nuôi
Đợt 2: Kiểm tra môi trường nước, chọn giống và cách cho ăn
Đợt 3: Các bệnh thường gặp ở tôm, xử lý thông qua xử lý môi trường nước;
Đợt 4: Hướng dẫn sử dụng các bộ công cụ thử nước đơn giản
Việc  hướng dẫn thực tế (theo cách cầm tay chỉ việc)sau mỗi đợt tập huấn được thực hiện tại tất cả 20 ao đầm của các hộ gia đình, Dự án còn tổ chức cho các hộ gia đình đi thăm quan học tập chia sẻ đồng đẳng quá trình sử lý nước và cách nuôi tôm của một số hộ gia đình đã có trên 15 năm kinh nghiệm làm tôm tại Nam Định.

  • Hỗ trợ các công cụ đánh giá chất lượng nước và cải thiện chất lượng nguồn nước. Dựa vào các đặc điểm đồng đất của người dân và các nguyên nhân được cho là làm tôm bị chết, các bộ thử nước đã được đưa ra để người dân cân nhắc, đánh giá chất lượng nước ao nuôi trước khi đi tới những quyết định xử lý. Chương trinh đã hỗ trợ và hướng dẫn cách sử dụng các bộ thử chất lượng nước ao nuôi cho các hộ gia đình. Bộ thử nước gồm có:
  • Bộ kiểm tra về độ kiềm tổng số (Aqua base)
  • Bộ kiểm tra về độ pH
  • Bộ kiểm tra về nồng độ độc  (NH3-NH4)
  • Bộ kiểm tra về độ oxy hòa tan trong nước (DO)
  • Và chế phẩm EM gốc (chế phẩm vi sinh vật) cải thiện chất lượng nguồn nước.  
  • Các buổi định kỳ và chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện với các hộ gia đình đang nuôi tôm trên địa bàn
  • Họp đánh giá trong các nhóm hộ gia đình khi sử dụng bộ công cụ. Chuyên gia của dự án tiếp tục hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp về các vấn đề và cách giải quyết trong các tháng tiếp theo. Hỗ trợ các hộ gia đình Kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân;
  • Chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng người dân: Mô hình đã được chia sẻ với các hộ khác ở Nam Phú.

Kết quả về mặt kinh tế

  • Mô hình đã mang lại các kết quả cụ thể như sau: Với sự nắm bắt được về mặt kỹ thuật, người dân đã chú tâm tới việc chăm sóc tôm hơn, theo dõi từng giờ để tránh hiện tượng tôm bị sốc nước ngọt (sau những trận mưa bất chợt) do vậy năm 2017 tất cả các hộ gia đình tham gia thí điểm mô hình đều ghi nhận có hiệu quả lãi.
  • Có 8/20 hộ gia đình tiếp tục mở rộng đầu tư vào tôm, đào thêm ao thả mới để chuẩn bị cho vụ xuân năm 2018.
  • Các hộ gia đình cũng đã tiết kiệm được từ 10-20% tiền mua thức ăn, và mua tôm giống do đã tính toán được lượng tôm thả và lượng thức ăn cho tôm trong ao.
  • 50% các hộ gia đình áp dụng biện pháp ương giống khi nuôi để đảm bảo con tôm quen với môi trường mới, nâng cao số lượng tôm sống sau thả. Như gia đình anh Phạm Văn Tuân “năm nay sẽ chỉ thả 5 vạn tôm giống thay vì 10 vạn như năm ngoái mà vẫn đảm bảo được năng suất”.

Kết quả về môi trường: Với việc thực hiện mô hình này , chất lượng nước trong ao nuôi tôm đã được các hộ gia đình kiểm tra thường xuyên. Nhiều hộ gia đình như gia đình anh Trần Văn Huy đã không còn nuôi vịt trên mặt ao và xả thải từ chăn nuôi xuống ao nuôi tôm.
100% các hộ gia đình xử lý ao đầm một cách triệt để, phơi đáy áo, phát quang bờ bụi, xử lý rác thải cách xa bờ ao để đảm bảo cho nước nuôi tôm đạt chất lượng.
Chất lượng nước đầu vào cho ao nuôi cũng được các hộ gia đình tập trung xử lý theo cụm dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường và duy trì nguồn nước.

KẾT QUẢ NGOÀI MONG ĐỢI: QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG
Nhờ sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của việc quản lý nguồn nước, những người dân xóm dưới thôn Hợp Phố nơi có bốn gia đình tham gia chương trình thực hiện sáng kiến đã thảo luận và quyết định cải tạo dòng kênh cấp nước chung cho các ao đầm của họ.  Bốn gia đình đã nhóm họp và vận động thêm sáu gia đình ở dọc dòng kênh cấp nước cùng đóng góp chung tiền hơn 10 triệu đồng tiền thuê máy cẩu, máy xúc và công để dọn sạch đoạn kênh cấp nước- trước kia chỉ xả rác và nước thải, và thống nhất với nhau các gia đình cùng phải bảo vệ  dòng kênh cấp nước này, không gia đình nào được xả rác, không gia đình nào được xả nước thải chăn nuôi hay chất bẩn xuống đoạn kênh. Đoạn kênh đen xì, hôi tanh bây giờ đã trở thành dòng nước đủ sạch để cung cấp nước cho ao đầm của cả 10 hộ gia đình.

Sáng kiến được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong ứng phó Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do CECR thúc đẩy.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments