CHƯƠNG TRÌNH ‘RÁC THẢI NHỰA CỦA CHÚNG TA ĐI ĐÂU?’ ĐẾN VỚI CÁC EM HỌC SINH QUẬN HOÀN KIẾM

Ngày 29 tháng 4 vừa qua, chương trình “Rác thải nhựa của chúng ta đi đâu?” do Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tổ chức dưới sự tài trợ chính của Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam đã chính thức diễn ra. Chương trình nằm trong khuôn khổ của dự án “Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”.

Với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải nhựa đúng cách và gợi ý một số cách tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng hữu ích, chương trình lần này đã đem tới cho 80 em học sinh từ 2 trường tiểu học Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) nhiều kiến thức bổ ích về phân loại, thu gom và tái chế rác nhựa giá trị thấp. Mở đầu chương trình, các em được phân biệt đúng các loại: rác thải nhựa giá trị thấp, rác thải nhựa giá trị cao và rác hữu cơ. Tiếp theo, các anh chị điều phối viên kể cho các em học sinh về đường đi của rác thải, từ khi được các cô chú công nhân vệ sinh môi trường thu gom tại nhà dưới dạng rác thải nhựa giá trị thấp, cho đến vòng đời của chúng tại nhà máy tái chế và kết thúc bằng cuộc tái sinh diệu kỳ dưới hình hài viên ngói, viên gạch lát đường, những đồ vật quen thuộc và vô cùng có ích trong cuộc sống hằng ngày. Cuối chương trình, các em học sinh được tham gia một trò chơi có tên gọi “Truy tìm loại rác đúng”. Trò chơi này đóng vai trò củng cố, giúp các em ghi nhớ hơn những gì đã học và áp dụng kiến thức trong việc phân loại rác ngay tại nhà.

Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thầy cô và các em học sinh. Em Đặng Thanh Hà – học sinh trường Tiểu học Phúc Tân bày tỏ sự hứng thú với những điều đã được học và mong muốn sẽ cùng bố mẹ phân loại rác. Cô Đỗ Thị Hồng Nhung – Hiệu trưởng trường tiểu học Chương Dương cho biết: “Những chương trình như thế này thật sự có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức cho trẻ nhỏ, nhờ việc giúp các em tìm hiểu, phân loại rác thải nhựa qua các hoạt động tương tác. Tôi tin là các em sẽ áp dụng kiến thức vào thực tế hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường”.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments