Mỹ hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức ô nhiễm môi trường

(Dân trí) – Mỹ và Việt Nam đã đạt được những kết quả tốt đẹp từ nỗ lực chung của hai bên trong hơn 7 năm qua nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường.

Mỹ hỗ trợ Việt Nam giải quyết thách thức ô nhiễm môi trường - 1
Lễ bàn giao kết quả sáng kiến địa phương Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do USAID hỗ trợ (Ảnh: USAID).

Hôm nay 21/6, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), và đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cùng các đối tác địa phương tổ chức sự kiện tổng kết những kết quả đạt được từ nỗ lực chung của các bên trong hơn 7 năm qua nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.

“Hôm nay, chúng ta tổng kết những kết quả đạt được từ nỗ lực chung của chúng ta, đồng thời hướng về tương lai khi chúng tôi bàn giao những mô hình và sản phẩm thành công từ các dự án do USAID tài trợ sang cho chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì. Cùng nhau, chúng ta đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường với các mô hình và sáng kiến có tiềm năng lớn để nhân rộng trên cả nước”, ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại sự kiện.

Sự kiện tổng kết hôm nay là một phần trong chương trình hội thảo quốc tế kéo dài 2 ngày do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng và các tổ chức đối tác thực hiện dự án của USAID, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Viện Dân số, Sức Khỏe và Phát triển (PHAD), phối hợp tổ chức.

Thông qua 5 dự án do USAID tài trợ với tổng ngân sách 7,2 triệu USD, các đối tác đã cùng phối hợp với nhiều bên liên quan trong việc nâng cao nhận thức và chung tay hành động nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó bao gồm các hoạt động: xây dựng khung dữ liệu mới về các vấn đề liên quan đến sức khỏe môi trường và ô nhiễm môi trường; hình thành mạng lưới các bên liên quan ở cấp trung ương và địa phương để cùng thực hiện hành động tập thể; tạo thuận lợi cho việc thực hiện các đối thoại đa dạng, minh bạch và cung cấp các thông tin đầu vào mang tính khoa học nhằm hỗ trợ công tác xây dựng chính sách ở cấp trung ương và địa phương; huy động nguồn lực từ địa phương dành cho các sáng kiến do địa phương dẫn dắt để giải quyết các vấn đề ô nhiễm; và thí điểm các mô hình giảm thiểu ô nhiễm và quản lý tài nguyên bền vững.

Các kết quả cụ thể gồm có: cung cấp thông tin hỗ trợ việc xây dựng Luật Quản lý tài nguyên nước sửa đổi; hỗ trợ các bên liên quan xây dựng và vận động thành công việc áp dụng 8 chính sách cấp địa phương, bao gồm quy định phải có các nghiên cứu về chất lượng không khí để giám sát chất lượng không khí hiệu quả hơn và đưa ra các giải pháp tốt hơn, đồng thời kiểm soát việc đốt rác thải ngoài trời và khí thải từ xe máy; huy động tổng cộng 2,1 triệu USD thông qua 5 dự án cho các nỗ lực của địa phương; hỗ trợ 15 sáng kiến do địa phương dẫn dắt nhằm góp phần thực hiện hóa Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”; thành lập Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) và xây dựng mạng lưới gồm hơn 80 tổ chức thành viên để cùng chung tay hành động vì nước sạch; hỗ trợ 21 mô hình quản lý chất thải rắn tại địa phương về thu gom, phân loại và tái chế tổng khối lượng rác thải tương đương trọng lượng của 200 xe khách; xây dựng 48 hệ thống cấp nước tại trường học, hộ gia đình và cộng đồng, mang lại lợi ích cho hơn 5.400 học sinh, giáo viên và hộ gia đình; thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giám sát môi trường và giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị, chẳng hạn như thông qua việc lắp đặt máy cảm biến đo chất lượng không khí tại hơn 100 trường học và văn phòng tại Hà Nội.

Năm nay, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhằm cải thiện chất lượng môi trường là một ví dụ nữa về cách mà Việt Nam và Mỹ hợp tác chiến lược cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.

5 dự án do USAID tài trợ trong khuôn khổ chương trình toàn cầu của USAID mang tên “Sáng kiến địa phương” được thực hiện nhằm hỗ trợ các dự án phát triển do địa phương dẫn dắt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới:

Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước”, do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thực hiện trong giai đoạn 2020-2023 tại Đà Nẵng và Hội An.

Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, do Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (Green Hub) triển khai trong giai đoạn 2020-2023 tại Đà Nẵng, Hội An và các khu vực xung quanh tỉnh Quảng Nam và tại Hà Nội.

Dự án “Chung tay hành động vì Không khí sạch”, do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) thực hiện trong giai đoạn 2019-2022 tại Hà Nội và Đà Nẵng.

Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe môi trường”, do Viện Dân số, Sức Khỏe và Phát triển (PHAD) thực hiện trong giai đoạn 2017-2022 tại An Giang, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Giang.

Dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh”, do tổ chức Live&Learn thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 tại Hà Nội.

Theo Đại sứ quán Mỹ
Thành Đạt
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments