Vì nguồn nước sạch cho tương lai

IMG_9444-minHà Nội, 24/12/2016 – “Liên minh Nước sạch (LMNS) kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về sự cần thiết xây dựng một khung pháp lý và chính sách đủ mạnh và hiệu quả để có thể góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng hiện nay” – Đó là khuyến cáo được đưa ra tại Sự kiện Ba năm xây dựng, trưởng thành, và phát triển của Liên minh Nước sạch được tổ chức tại Hà Nội hôm nay.
Chương trình Liên minh Vận động Chính sách Kiểm soát và Ngăn ngừa Ô nhiễm Nước (Liên minh Nước sạch) do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề xuất và triển khai nhằm nghiên cứu, xây dựng mô hình, thúc đẩy các biện pháp và chính sách về kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước, góp phần xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước cho Việt Nam, đã đi qua một chặng đường ba năm từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2016.
Trong ba năm qua, với khoảng 40 nghiên cứu, 28 hội thảo, và nhiều hoạt động truyền thông, với cách tiếp cận khoa học hệ sinh thái, chương trình đã đóng góp đáng kể vào nâng cao nhận thức và xây dựng các chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước. Mạng lưới các cộng tác viên, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ tham gia ngày càng mở rộng và sâu sắc. Các mô hình khôi phục các sông, suối, hồ với sự tham gia của cộng đồng tại Hà Nội, Sơn La, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương đã được hình thành và đang triển khai tích cực.
Phát biểu tại sự kiện bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR chia sẻ “Trên thực tế, hệ thống pháp luật của chúng ta đã có những quy định cho việc kiểm soát ô nhiễm nước, nhưng nằm phân tán ở nhiều luật khác nhau gây khó khăn cho việc thực thi. Đứng trước thực trạng ô nhiễm nước đang ở khắp mọi nơi từ các ao hồ, các sông cho tới các vùng ven biển, đã đến lúc Việt Nam cần phải có một bộ luật riêng biệt, hiệu quả và đủ mạnh để giải quyết được tình hình này. Chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để đưa Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào danh sách các luật mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới”.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của ông Nghiêm Vũ Khải, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): “Chúng ta đều nhận thấy sự cần thiết phải có Luật KSONN và bước tiếp theo là xây dựng luật đó như thế nào để giải quyết được các bất cập như chồng chéo, chưa cụ thể của các luật hiện có. Số lượng các quy định rất lớn gây khó khăn cho cả người quản và người bị điều chỉnh. Trong vấn đề KSONN, phải nhấn mạnh vai trò của cộng đồng  địa phương nơi trực tiếp diễn ra tình trạng ô nhiễm nước. Bên cạnh đó là nâng cao vai trò và chức năng các hiệp hội khoa học như Vusta trong việc tư vấn, phản biện khoa học, tuyên truyền phổ biến kiến thức”.
Sự kiện có sự tham gia của 150 đại biểu là các đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo, các cán bộ đến từ Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Môi trường; cán bộ từ một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công thương; các chuyên gia độc lập, giảng viên các trường đại học; các cộng đồng đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Sơn La cùng các cơ quan báo chí.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments