Đây là sự kiện hướng đến cộng đồng đầu tiên, CECR triển khai thực hiện tại Đà Nẵng, sau khi chính thức ra mắt dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và thành phố xanh”vào ngày 2/3/2018 (cũng tại Đà Nẵng).
Các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí bên biển và trên biển luôn tiềm ẩn nguy cơ tác động nhất định đến môi trường sinh thái biển (ảnh mang tính minh họa).
– Ảnh trong bài: T.Ngọc. |
Những thách thức cho một “Đà Nẵng phát triển nóng”
Theo bà Huỳnh Thị Liễu Hoa (Nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận Sơn Trà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), là một thành phố biển, với cơ cấu kinh tế là dịch vụ (ưu tiên hàng đầu), công nghiệp, nông nghiệp, biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng.
Một trong những ảnh hưởng có thể dễ dàng nhận thấy nhất, đó là rác thải ảnh hưởng đến mỹ quan các bãi biển, vào mùa cao điểm du lịch. Cứ sau mỗi ngày, bãi biển Đà Nẵng trở thành “bãi rác lớn”. Lực lượng thu gom rác của Đà Nẵng phải tiến hành thu gom rác từ lúc giữa đêm.
Ô nhiễm biển nói chung và vấn đề rác thải biển nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế, thương hiệu và hình ảnh của thành phố. Nguy hơn là hệ sinh thái cũng bị đe dọa.
Hiện, trên 80% rạn san hô của Đà Nẵng (tập trung ở quanh bán đảo Sơn Trà) đang ở tình trạng rất xấu. Rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.
Dù Đà Nẵng là địa phương “điểm sáng” về vấn đề xử lý ô nhiễm, địa phương đang hướng đến xây dựng “Thành phố Môi trường”, trước những thách thức cũng từ phát triển, đó là rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, luôn là điểm nóng.
Và không riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương trên cả nước cũng luôn nóng với vấn đề xử lý rác thải. Đặc biệt các TP lớn, địa phương có nhiều điểm tham quan, du lịch. Một vấn đề được đưa ra tại hội thảo là thể chế, chính sách chưa đồng bộ.
|
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg Ngày 7/5/2018 về Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015 tầm nhìn đến 2050 đặt ra mục tiêu tất cả các đô thị đặc biệt, đô thị loại I có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp với phân loại tại hộ gia đình; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý…;100% tổng lượng chất thải rắn nguy hạị phải được thu gom, xử lý; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường….
“Thế nhưng với hiện trạng xử lý chất thải rắn như hiện nay, mục tiêu này xem ra khó thực hiện” – ông Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ xây dựng), Chuyên gia tư vấn.
Trong ảnh: Rác thải từ nhựa là vấn đề nan giải nhất trong xử lý ô nhiễm ở các đô thị phát triển, điểm du lịch,… |
Hoàn thiện hơn thể chế, chính sách
Liên hợp quốc định nghĩa rằng rác thải biển là vật liệu rắn được sản xuất hoặc xử lý, sau đó thải bỏ vào môi trường biển và ven biển. Trong đó, chất thải nhựa là một thành phần chủ yếu của rác thải biển, chiếm khoảng 50 – 80% lượng rác thải biển.
Ước tính, hơn 80% chất thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, phần còn lại là nhựa được xả trực tiếp trên biển. 94% lượng nhựa đi vào môi trường biển, tập kết ở đáy đại dương với mật độ ước tính 70 kg/km2 đáy biển, tương ứng khoảng 25,3 triệu tấn; chỉ 1% chất thải nhựa trên biển được tìm thấy nổi trên bề mặt, hoặc gần bề mặt biển, với mật độ trung bình 0,74kg/km2, tương ứng khoảng 0,27 triệu tấn. Lượng rác ước tính trên các bãi biển toàn cầu lớn hơn 5 lần lượng rác nổi với mật độ rất cao 2.000kg/km2 tương ứng 1,4 triệu tấn.
|
Nhựa được ghi nhận là “đã và đang trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong môi trường biển và khả năng di chuyển xa”.
Nhựa gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng nuốt phải, hoặc bị mắc kẹt.
Đồng thời, chất thải nhựa biển còn tác động đến sức khỏe con người do ăn phải các loài sinh vật nhiễm nhựa trong cơ thể.
Ngoài ra, những tác động về kinh tế do chất thải nhựa (gây ra trên môi trường biển và ven biển) đối với các hoạt động du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải trên biển và chi phí vệ sinh môi trường vẫn đang được các cơ quan chuyên môn ghi nhận.
Dù khó xác định với những con số cụ thể, song, ảnh hưởng thì đã có.
Ông Han Zhang (Chuyên gia DOW Chemical) tại hội thảo khuyến cáo thêm rằng, nếu như tại Châu Âu, nhu cầu sử dụng của một người bình quân là 33kg đồ dùng bằng nhựa/ năm, thì ở một số nước đang phát triển ở Châu Á (trong đó có Việt Nam), nhu cầu này hiện tại khoảng 17kg/năm.
Tuy nhiên với đà phát triển như hiện nay, lượng sử dụng đồ dùng bằng nhựa trên đầu người ở khu vực Châu Á sẽ tiến tới mức ngang bằng với các quốc gia phát triển.
Điều này cho thấy, nhựa sẽ là chất thải rắn – một trong những nguyên nhân hàng đầu – gây ô nhiễm cho môi trường biển nếu không được thu gom hiệu quả. Trong khi đó, việc tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn không phải nơi đâu cũng được quan tâm đầu tư.
Theo Chuyên gia Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng), ở nhiều địa phương, nguồn lực đầu tư dành cho công tác này còn rất thấp, thiếu các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong khi nhu cầu về quản lý chất thải rắn ngày càng bức xúc.
Phần lớn công nghệ xử lý rác thải chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm, vừa triển khai hoạt động, vừa hoàn thiện dây chuyền công nghệ nên chưa đồng bộ, nhiều thông số kỹ thuật chưa chuẩn xác, chất lượng chưa cao nên sản phẩm sản xuất từ rác thải gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Bên cạnh đó, một số địa phương chậm phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Việc xác định vị trí để xây dựng khu/cơ sở xử lý hoặc bãi chôn lấp còn gặp nhiều khó khăn do chưa tạo được sự đồng thuận của người dân; nhiều bãi chôn lấp đang quá tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác một số dự án đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhưng ngân sách của địa phương không đủ chi trả chi phí xử lý.
|
Chuyên gia Nguyễn Hồng Tiến (Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng). |
Cùng chung quan điểm này, các tác giả Dương Thị Phương Anh, Nguyễn Liên Hương, Trần Quý Trung (Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường) từng cho rằng: Thực trạng về kiểm soát chất thải nhựa biển còn nhiều khó khăn thách thức. Do vậy cần nhanh chóng hoàn thiện hơn chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý chất thải nhựa vào biển; Tăng cường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ quản lý, kiểm soát hiệu quả chất thải nhựa biển; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý, kiểm soát chất thải nhựa biển.
Đặc biệt, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chất thải nhựa biển. Bởi nhận thức của một bộ phận trong cộng đồng về bảo vệ môi trường còn thấp. Các vi phạm về vệ sinh môi trường như vứt rác bừa bãi, đổ trộm phế thải nói chung vẫn còn rất phổ biến. Hệ lụy kéo theo là thói quen vứt rác, chất thải nhựa lên bãi biển.
Chia sẻ cùng Đà Nẵng, được sự tài trợ của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ); Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã triển khai dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và thành phố xanh”.
Dự án chính thức ra mắt ngày 2/3/2018 với sự chứng kiến của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, đại diện các đối tác của dự án gồm Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hội Phụ nữ TP Đà Nẵng, Hội Phụ nữ 2 Quận Sơn Trà và Thanh Khê, các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) cùng nhiều cơ quan truyền thông.
Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và Thành phố xanh” nhằm mục tiêu xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt dựa vào cộng đồng, thúc đẩy tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn của thành phố, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa vào biển.
Dự án sẽ được thực hiện tại 2 Quận Sơn Trà và Thanh Khê trên cơ sở hợp tác với các cơ quan quản lý môi trường quận, các Chi hội phụ nữ phường, các trường đại học trên địa bàn, triển khai các lớp tập huấn cộng đồng thu hút sự tham gia của mọi người dân.
Kết quả cuối cùng của dự án (được thực hiện từ tháng 1/2018 tới tháng 4/2019) sẽ là sự thay đổi về nhận thức trong công tác phân loại rác thải tại nguồn và sự tham gia tích cực của các bên trong việc tái chế và tái sử dụng, góp phần vào thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường của Đà Nẵng, hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố Xanh và thông minh”. |
Hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố Xanh và Thông minh”: Trách nhiệm và những nền tảng từ cộng đồng
Giám đốc CECR, bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết: Trong khuôn khổ dự án“Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và Thành phố xanh” chúng tôi tập trung thúc đẩy tạo ra một văn hóa bảo vệ môi trường. Trong đó, có thay đổi hành vi sử dụng túi nilon, phân loại các rác thải vật dụng sinh hoạt có khả năng tái sử dụng thì phải được tái chế, biến rác thải hữu cơ từ nhà bếp thành phân bón.
Thông qua dự án, chúng tôi muốn nhấn mạnh trách nhiệm của công dân về bảo vệ môi trường đồng hành cùng với các cấp chính chính quyền. Trách nhiệm của chúng ta là phải tham gia vào công tác này vì chính chúng ta thải ra rác, ăn một cây kẹo cũng thải ra rác, uống một ly nước cũng để lại rác. Nếu mỗi người hình thành thói quen phân loại, thu gom và sử dụng rác thải một cách dự nhiên thì sẽ hình thành văn hóa bảo vệ môi trường.
|
Bà Quách Thị Xuân (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng) cũng đồng tình trong chia sẻ quan điểm về trách nhiệm cộng đồng. Theo bà Xuân, cộng đồng hãy tạo cho mình thói quen nói KHÔNG (từ chối) hoặc hạn chế sử dụng những vật dụng mà khi thải ra, gây nguy hại lớn cho môi trường, cho hệ sinh thái nhiều loài. Và phương châm, thái độ sống tích cực vì môi trường, được gói gọn trong nguyên tắc tiêu dùng 5R. |
Để cụ thể hơn, những thành tựu bước đầu có tính nền tảng, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng bà Tăng Hoàng Hôn Thắm (Phó Chủ tịch) đã chia sẻ mô hình phân loại rác nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp phụ nữ về môi trường, thay đổi hành vi, ứng xử thân thiện với môi trường, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính các mô hình tự quản trong bảo vệ môi trường mà Hội đã triển khai đã góp phần cho sự phát triển bền vững của thành phố quê hương.Qua đó cũng cải thiện sức khỏe của chính cộng đồng tham gia và nhiều kết quả đáng ghi nhận khác.
Câu chuyện được khởi đầu bằng việc cán bộ phụ nữ vận động chị em thu gom, phân loại rác thải, góp phần giảm thiểu tình trạng thải rác khó phân hủy ra môi trường sống, giảm được gánh nặng xử lý rác thải cho thành phố. Hơn thế nữa, tận dụng các sản phẩm từ rác bán gây quỹ hoạt động cho Chi hội và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương. Mô hình đã có sức lôi cuốn và hình thành nên mạng lưới gồm 964 nhóm/CLB Sống Xanh với 16.202 thành viên. Và đến thời điểm này, 80% Chi hội Phụ nữ trên địa bàn Đà Nẵng đã thực hiện mô hình “Thu gom phân loại rác thải”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi”; “Thùng rác môi trường”.
Bất ngờ lớn nhất là vị Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng chia sẻ con số thông qua mô hình đã gây quỹ thực hiện an sinh xã hội được 1 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng cho nhiều chương trình vô cùng ý nghĩa: tặng Sổ Tiết kiệm cho phụ nữ nghèo, đơn thân; giúp phụ nữ nghèo quay vòng vốn sản xuất-kinh doanh, tặng quà cho các cháu thiếu nhi nhân dịp 1 tháng 6, tặng quà Tết, quà trong dịp 8 tháng 3,…
Nỗ lực với những điểm nóng
Chia sẻ về điểm nóng môi trường của Đà Nẵng, bà Huỳnh Thị Liễu Hoa tiếp tục nhấn mạnh đến chất thải biển “do ý thức của người dân, của các tàu cá hoạt động trên biển thải ra” và “chủ yếu là rác thải nhựa”.
Trong đó, địa chỉ được đề cập là khu phức hợp bao gồm Âu thuyền, Cảng cá, chợ đầu mối thủy sản và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa đề cập điểm nóng Âu thuyền Cù Lao Chàm trong tham luận của mình. |
|
Hình ảnh ô nhiễm ở Âu thuyền được thể hiện trong báo cáo. |
Với diện tích mặt nước là 58ha, diện tích trên bờ là 2,4ha. Hàng năm, khu vực Âu thuyền Thọ Quang tiếp nhận khoảng 20.000 lượt tàu đánh cá (bình quân 55tàu/ngày) vào bán hải sản và tiếp nhận hậu cần.
Năm 2017 là 24.608 tàu nhưng chủ yếu là tàu của các địa phương khác (17.890 tàu), tàu của ngư dân Đà Nẵng chỉ có 6.718 chiếc. Số ngày neo đậu của một tàu tại Âu thuyền trung bình là 3 ngày, số thuyền viên trên mỗi tàu tối thiểu là 15 người.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh từ các tàu cá, tuy nhiên do thuyền viên trên các tàu cá là người ngoại tỉnh, trình độ nhận thức còn hạn chế nên Âu Thuyền Thọ Quang thường xuyên phải tiếp nhận một lượng rác rất lớn thải trực tiếp vào Âu Thuyền.
Trao đổi với ICT Đà Nẵng, đại diện CECR cho biết, Âu thuyền Thọ Quang là một ưu tiên trong dự án“Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và thành phố xanh”.
|
Toàn cảnh hội thảo “Quản lý rác thải đô thị bền vững: Phân loại, thu gom và tái sử dụng rác thải dựa vào cộng đồng”. |
“Theo tôi, Chính quyền thành phố cần phát huy một bài học kinh nghiệm lớn đó là tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, xác định bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển là sự nghiệp của toàn dân.
Cùng vói đó, thường xuyên chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đặc biệt là du khách trong giữ gìn bảo vệ môi trường biển.
Và nếu muốn giữ cho biển sạch, tôi cho rằng hãy xã hội hóa mạnh mẽ hơn công tác bảo vệ biển, đảm bảo sự hài hòa trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đảm bảo tính bền vững của các chính sách môi trường. Hẳn nhiên, không thể thiếu là xử lý nghiêm và thật nghiêm các hành vi vi phạm quy định về môi trường, xâm hại đến tài nguyên” – bà Huỳnh Thị Liễu Hoa nhấn mạnh.
Đây cũng chính là những nền tảng bền vững để dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế nhựa vì một cộng đồng khoẻ mạnh và thành phố xanh” “bội thu” và lan tỏa thành một thói quen sống tích cực trong cộng đồng Đà Nẵng.
Trần Ngọc