Chương trình: "Thúc đẩy sự tham gia của Cộng đồng bảo vệ Hồ Hà Nội"

Chương trình “Bảo tồn di sản – Bảo về tương lai: Thúc đẩy sự tham gia cộng đồng bảo vệ Hồ Hà Nội với sự tiếp cận hệ sinh thái”
Khởi nguồn ý tưởng
Xuất phát từ một suy nghĩ đơn giản: Nếu mỗi ao, hồ Hà Nội được cộng đồng nhân dân ở đó đồng thuận tham gia bảo vệ, không xả rác, nước thải xuống hồ bừa bãi, tham gia giám sát sức khỏe sinh thái của hồ, cùng nhau xây dựng và bảo vệ bờ và hành lang bờ, giữ từng mét hồ ao, chắc chắn hệ thống hồ ao sẽ được khôi phục và bảo tồn bền vững, tôn tạo mỹ quan cho thành phố. Cách làm này thành công sẽ giúp cho nguồn vốn của nhà nước và xã hội đầu tư cho cải tạo hồ đạt hiệu quả mong muốn. Dự án: “Bảo tồn di sản – Bảo vệ tương lai: Tiến tới bảo vệ bền vững hệ thống Hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng” được xây dựng từ suy nghĩ trên nhằm đóng góp vào công tác cải tạo môi trường Hồ Hà Nội, chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 nămThăng Long – Hà Nội 2010. Mục tiêu của dự án là tạo một bức tranh tổng thể về ao, hồ, đầm trong 6 quận Hà Nội về số lượng cũng như hiện trạng môi trường hiện nay. Bức tranh cụ thể đó sẽ được sử dụng như thông tin nền về hồ Hà Nội, tạo bản lề và công cụ, nền tảng thông tin cho cộng đồng, các nhà làm kế hoạch và chính sách, các nhà khoa học sử dụng để tham khảo và thực hiện các sáng kiến bảo vệ hồ, giúp giảm thiểu các rủi ro và nguy cơ mà hệ thống hồ đang phải đối mặt. Đây có thể coi là điểm khởi đầu cho một quá trình dài hơn với kế hoạch hoạt động cụ thể huy động các cộng đồng liên quan vào bảo vệ giám sát hồ.
Nghiên cứu hiện trạng Hồ Hà Nội
 hien-trang-ho1
Nghiên cứu hiện trạng hồ Hà Nội được tiến hành từ tháng 02/2010 đến tháng 08/2010 bao gồm: nghiên cứu hiện trạng diện tích, vị trí và cộng đồng xung quanh hồ; hiện trạng chất lượng nước hồ và hiện trạng bờ và hành lang bờ. .
Hoạt động nghiên cứu hiện trạng diện tích vị trí tương đối được các giáo viên và sinh viên trường Đại học Xây dựng hỗ trợ thực hiện. Trong 80 các hồ ao được đo đạc khảo sát hiện trạng, các kết quả thể hiện bao gồm tên, địa chỉ, vị trí, diện tích, ngày, tháng, năm đo và tỷ lệ. Bản hiện trạng thể hiện sơ bộ về cộng đồng sống xung quanh hồ bao gồm các nhà dân, các cơ quan, các chùa, đình, các trường học, các xí nghiệp, các nghĩa trang và những thành phần quan trọng khác. Các thảm thực vật, các vườn rau, vườn hoa, các bãi đỗ xe, các bãi rác thải phế liệu cũng được thể hiện khá cụ thể. Trong số 80 hồ được đo, số ao hồ có diện tích từ 1000 mét vuông trở lên chiếm 76%, các hồ có diện tích dưới 500 mét vuông chiếm 17,5%, số hồ từ 500 mét vuông đến 1000 mét vuông chỉ khoảng 6%.
hien-trang-ho3
Hoạt động nghiên cứu hiện trạng chất lượng nước, đánh giá môi trường bờ và hành lang bờ các hồ được nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hỗ trợ thực hiện. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát chất lượng nước của 80 hồ, ao trong tổng số 120 hồ, tiến hành nghiên cứu, phân tích chất lượng của 200 mẫu nước. Việc nghiên cứu tập trung vào các hồ đang bị ô nhiễm, có nguy cơ bị thu hẹp và giảm độ sâu, các hồ chưa được khảo sát, nghiên cứu. Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các hồ đều bị ô nhiễm nước. Có tới 71% hồ có giá trị BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l), 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32 % hồ bị ô nhiễm nhẹ.
Kết quả khảo sát hành lang bờ của 120 ao, hồ cho thấy khoảng 26% hồ, ao chưa được kè bờ, môi trường các bờ quanh hồ bị xuống cấp khá nặng nề, một số hồ ao có nguy cơ bị lấn chiếm cao.
 
Nghiên cứu thể chế quản lý Hồ Hà Nội
Nghiên cứu thể chế về quản lý Hồ Hà Nội nhằm có được sự hiểu biết sâu sắc về cơ chế quản lý các Hồ Hà Nội hiện nay, trên cơ sở đó xác định những khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội bảo vệ hồ theo phương pháp tiếp cận hệ sinh thái có sự tham gia cộng đồng.
Nghiên cứu thể chế được các chuyên gia về môi trường và Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tiến hành từ tháng 5/2010 đến tháng 8/2010 với sự tham gia của các đại diện cộng đồng ở các điểm hồ Đền Lừ và hồ Hữu Tiệp, các nhà văn hóa, các nhà nghiên cứu và những người yêu mến hồ Hà Nội.
Phương pháp nghiên cứu bao gồm nghiên cứu tham khảo tài liệu trong và ngoài nước, nghiên cứu điển hình hai trường hợp về quản lý hồ với phương pháp phỏng vấn sâu các thành phần liên quan ở cơ sở và phương pháp hội thảo, thảo luận có sự tham gia của cộng đồng. Kết quả nghiên cứu thể chế gồm các nội dung: Phân tích khung pháp lý và quản lý nhà nước về hồ hiện nay; Công tác quản lý ao hồ Hà Nội; Các thách thức và bất cập trong công tác quản lý hồ Hà Nội; Quản lý ao hồ theo cách tiếp cận hệ sinh thái có sự tham gia của cộng đồng.
 the-che

Nghiên cứu sâu các hồ, ao tại 03 phường Nhật Tân, Quảng An, Vĩnh Tuy
nghien-cuu
Năm 2011, nhóm nghiên cứu CECR tiếp tục tiến hành thực hiện nghiên cứu sâu về diện tích, chất lượng nước, hiện trạng đới bờ và hiện trạng khai thác sử dụng của 19 ao, hồ cụ thể tại 03 phường Nhật Tân, Quảng An, Vĩnh Tuy. Những nghiên cứu này nhằm xây dựng lộ trình và mô hình khôi phục quản lý ao hồ Hà Nội, tích hợp các biện pháp công trình và phi công trình và sự tham gia của cộng đồng.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments