Chương trình Giáo dục Môi trường về quan trắc hồ cho học sinh, sinh viên ở Hà Nội nằm trong khuôn khổ dự án dự án đại sứ Quán Mỹ tài trợ về “Thúc đẩy sự tham gia tích cực và cách tiếp cận hệ sinh thái của cộng đồng dân sự trong công tác bảo vệ Hồ Hà Nội” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thực hiện từ 8/2011 đến 9/2012
Sau hơn hai tuần tuần phát động chương trình, từ 8/5 đến 25/5 đã thu hút được rất nhiều học sinh, sinh viên từ các trường trung học cơ sở, đại học đăng kí tham gia. Nhưng do phạm vi chương trình có hạn, nên sau quá trình phỏng vấn, tuyển chọn rất kĩ. Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng và Waterwise đã quyết định lựa chọn được 45 em học sinh, sinh viên ưu tú nhất tham gia vào khóa học.
Chương trình cũng đã đón nhận sự có mặt, ủng hộ, và tham gia giảng giậy của rất nhiều chuyên gia:
Có sự tham gia của ông Erics Fraicheur – Phụ trách Phòng Khoa học, Môi trường, Giáo dục và y tế của Đại sứ Quán Mỹ tại Việt Nam, cũng là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Yêu Hồ Hà Nội mới thành lập vào tháng 6 vừa qua. Với nói về vài trò của hồ và vai trò của chính chúng ta trong việc bảo vệ Hồ
Gần như toàn bộ lãnh đạo và cán bộ của CECR đã tham gia dự án này với một tình yêu đối với Hồ Hà Nội.
Mở đầu buổi học, cô Nguyễn Ngọc Lý Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) bài giảng về Phát triển bền vững thông tin nền Hồ Hà Nội
Bài giảng về hệ sinh thái ao hồ của chị Trâm Anh – Phó Giám đốc CECR
Ngoài ra còn có sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu và trường đại học trên cả nước.
Chị Nguyễn Nguyệt Ánh hướng dẫn về lý thuyết Quan Trắc và cách đo một số thông số của ao Hồ
Các anh, chị ở Trung tâm Quan trắc Môi trường – Bộ tài Nguyên môi trường đã hướng dẫn các em cách Quan trắc ngoài hiện trường rất nhiệt tình
Và đặc biệt không thể thiếu được sự đóng góp và tham gia của các nhóm tình nguyện viên, các tổ chức như nhóm Water wise của cô Trang trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Cô đã chia sẽ rất nhiều những trải nghiệm về việc quan trắc sông, hồ tại Mỹ với các bạn học sinh, sinh viên
Nội dung hoạt động
Chương trình kéo dài trong tháng 6 và 7.
Ngày 7/6/2012: Cung cấp những kiến thức quan trọng về hệ sinh thái, hiện trạng ao, hồ, các phương pháp quan trắc cũng như quan sát đới bờ.
Các em được cung cấp, trang bị học rất nhiều những kiến thức bổ ích về phát triển bền vững, những thông tin nền về Hồ Hà Nội, thế nào là một hệ sinh thái, hệ sinh thái khỏe và yếu, sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ Hồ Hà Nội, lý thuyết về Quan Trắc và hướng dẫn đo một số thông số ao, Hồ, cách đánh giá môi trường ven và bờ hồ.
Trong buổi học, các em học sinh được chia thành 4 nhóm rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ hồ: Nhà quản lý, công nghệ, doanh nhân và cộng đồng…Chúng mình đã cùng thảo luận và đưa ra các ý tưởng theo mô hình SWOT(Strengths – thế mạnh, weaknesses – điểm yếu, Opportunities – cơ hội and Threats – thách thức) và đề ra các khuyến nghị tương ứng…
Sau buổi học, các em học sinh được chia thành 10 nhóm quan trắc 10 hồ ở những vị trí khác nhau của Hà Nội, và được phân công trong nhóm các nhiệm vụ như lấy mẫu, đo thông số, ghi chép và viết báo cáo.
Ngày 8/6/2012: Trung tâm quan trắc môi trường của Bộ tài nguyên môi trường Hướng dẫn Quan trắc ngoài hiện trường tại Công viên thống nhất.
Dưới sự hướng dẫn của anh Thắng của Trung tâm quan trắc, các em biết được thực tế quan trắc ngoài hiện trường là thế nào, và được trực tiếp đo đạc nhiệt độ, DO, pH rất chi tiết.
Sau hai buổi học đó, các em được quan trắc thực tế 10 hồ trong 3 tuần. Kết quả quan trắc đều được các nhóm báo cáo kết quả đầy đủ, chi tiết
Kết quả
– Kết quả quan trọng nhất của Chương trình là các em đã có được một kiến thức nền về Môi trường, hệ sinh thái, và phương pháp Quan trắc Hồ biểu hiện bằng các báo cáo kết quả quan trắc của các nhóm.
– Có được bài thực hành tốt nhất về Quan trắc các thông số nhiệt độ, pH, DO, và hệ sinh thái nước và đới bờ – là những thống số quan trọng nhất để đánh giá ao, hồ là khỏe mạnh hay yếu.
– Viết báo cáo, ý tưởng, có những sáng kiến bảo vệ ao, hồ.
– Các kết quả quan trắc quan trọng:
100% ao, hồ có màu nước xanh đến xenh đen, và đều có mùi hôi của rác nhất là những nhóm quan trắc hồ vào ngày nắng nóng như Hồ Bán Nguyệt, Hồ Láng Thượng và hồ ao chỉ không có mùi vào những ngày sau khi mưa.
Tất cả các ao, hồ quan trắc đều có quán nước, nhà hàng mọc xung quanh. Dường như hồ ao, là nơi hấp dẫn cho các hàng quán mọc lên nhất. Từ đó dẫn đến nước thải, rác thải vất ra ao, hồ rất nhiều. Có hồ còn tới 32 hàng quán như Hồ Xã Đàn, một số nơi còn là chỗ tập kết rác như Hồ Bán Nguyệt, Hồ Hai Bà Trưng,…
Sau đây là các báo cáo của nhóm hồ Xã Đàn, hồ Quỳnh, hồ Ngọc Khánh, hồ Láng Thượng, hồ Bán Nguyệt.
TS. Phạm Sỹ Liêm
Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng
Nguồn: Hội thảo Quốc tế về Hồ Hà Nội, ngày 22/ 6/2012
Tư duy phát triển đô thị và phương pháp luận cải tạo đô thị các nước đều đang được đổi mới theo các hướng chủ đạo: Tăng cường an sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị, tận dụng hợp lý sức tải của đô thị.
Mở đầu
Hệ thống hồ Hà Nội thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia môi trường, nhiều kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị, đặc biệt là các chuyên gia đô thị học cảnh quan. Mấy năm gần đây đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều ấn phẩm và bài báo đề cập đến các chủ đề có liên quan đến hồ Hà Nội. Đi vào chủ đề “sử dụng bền vững hồ Hà Nội” từ góc nhìn quản lý đô thị, bài viết này thảo luận vấn đề bảo vệ và tôn tạo cảnh quan các hồ chủ yếu của Thủ đô.
Cảnh quan hồ Hà Nội
Nội thành Hà Nội có hàng trăm hồ lớn nhỏ (H.1). Các hồ đều ít nhiều đóng vai trò hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa của đô thị có địa hình bằng phẳng như Hà Nội, góp phần cải thiện khí hậu một khu vực nhỏ hoặc lớn tùy theo diện tích hồ, tạo mặt thoáng cho gió thổi vào phố phường, hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt (heat island) của đô thị. Tóm lại, hệ thống hồ là thành phần quan trọng trong hệ thống sinh thái đô thị (urban ecosystem) Hà Nội mà vấn đề phòng chống ô nhiễm được các chuyên gia môi trường quan tâm.
Hà Nội có hai hồ nổi tiếng được cả nước biết đến là Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây. Hai hồ này không chỉ là di sản vật thể mà còn gắn với di sản phi vật thể là những truyền thuyết dân gian và ký ức về nhiều sự kiện lịch sử tại miền kinh kỳ có nghìn năm tuổi.
Hồ Hoàn Kiếm là cảnh quan đô thị độc đáo của Hà Nội, có tên gọi gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm, còn khu vực quanh hồ được người Pháp phát triển cùng với khu vực trung tâm thành phố từ đầu Thế kỷ 20.
Vườn hoa quanh hồ tuy không rộng nhưng cho phép du khách dạo chơi dưới tán cây dâm mát. Nhiều đoạn sát ven hồ có hàng liễu thướt tha hay một số cây đặc sắc như lộc vừng nghiêng cành xuống sát mặt nước, tạo ấn tượng thị giác sâu đậm. Nhưng Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc mới thực sự là những điểm nhấn tạo ra bản thể cho cảnh quan hồ. Lại còn “Cụ Rùa” thỉnh thoảng nổi lên như để nhắc lại chuyện xưa. Mặt hồ, hai hòn đảo trong hồ, cây cối ven hồ và đường phố, công viên quanh hồ, tất cả góp phần tạo ra không gian công cộng xanh đặc sắc giữa lòng phố phường nhộn nhịp.
Hồ Tây (và hồ Trúc Bạch) vốn ở ven nội nhưng nay đã là thắng cảnh số một trong lòng Thủ Đô với nhiều đền chùa trong hồ và ven hồ, với đường Thanh niên rợp bóng cây, và gần đây đã có con đường khang trang bao quanh chu vi hồ dài khoảng 17km. Hồ Tây gắn với nhiều truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết Trâu Vàng (Kim Ngưu). Cảnh quan hồ được đưa vào những áng thơ văn xưa nổi tiếng và ngày nay được ghi lại trên các bức ảnh nghệ thuật đầy chất thơ của Võ An Ninh.
Ngoài hai hồ nói trên, Hà Nội còn có nhiều hồ mới tham gia vào cảnh quan đô thị không quá nửa thế kỷ nay như nhóm bộ ba Hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu và Thiền Quang, các hồ Giảng Võ, Thủ Lệ, Ngọc Khánh, Thành Công, Nam Đồng, Văn Chương, Đống Đa, Nghĩa Đô, Quỳnh, Linh Đàm v.v., cùng với rất nhiều hồ khác có tiềm năng trở thành cảnh quan đô thị nếu được đầu tư tôn tạo.
Bảo vệ cảnh quan hồ Hà Nội
Hồ và khu vực quanh nó là không gian công cộng rất có giá trị. Cảnh quan hồ là một phần bản sắc đô thị (urban character) của Hà Nội, tạo cảm nhận nơi chốn (sense of place) khá sâu sắc, góp phần làm đậm đà cảm nhận quy thuộc (sense of belonging) và tình cảm quyến luyến quê hương của người Hà Nội cũng như ký ức lâu bền về Hà Nội cho khách vãng lai. Bản sắc đô thị rất có ý nghĩa đối với tính an sinh đô thị (urban livability) được đô thị học ngày nay đề cao, vì tư duy phát triển đô thị hiện đại coi trọng cả các giá trị tinh thần chứ không chỉ tập trung vào các giá trị kinh tế và vật thể trong quy hoạch phát triển và quản lý đô thị.
Xem các sách:“Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”của Jan Gehl, NXB Xây dựng, 2009; và “Không gian công cộng làm nên cuộc sống thành phố” của Debra Efroymson, Trần thị Kiều Thanh Hà và Phạm Thu Hà (HealthBridge), NXB Xây dựng, 2010.
Không phải hồ nào cũng tạo được cảnh quan đô thị hấp dẫn mọi người và nhất là đáng được ghi lại trên các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh hay đi vào văn thơ. Để trở thành cảnh quan đô thị, hồ phải dễ tiếp cận từ nhiều phía, không bị ô nhiễm, dải ven bờ là không gian công cộng sạch sẽ được ưa thích với cỏ cây xanh tốt, ban đêm được chiếu sáng, thuận tiện cho người đi bộ và đi xe đạp, các công trình nhà cửa quanh hồ tạo đường viền sinh động trên nền trời với các khoảng hở thỏa đáng, cùng với cây cối ven bờ phản chiếu lung linh xuống mặt hồ, chứ không sừng sững lấn át không gian hồ hay hình thành bức trường thành đơn điệu.
Bảo vệ hồ có nghĩa là ít ra không để tình trạng hiện tại của các hồ bị xấu đi hơn nữa, áp dụng các biện pháp ngăn chặn nước thải và rác thải xả vào hồ, chống lấn chiếm và tư hữu hóa dải nước ven hồ. Muốn vậy, trước hết phải làm con đường quanh hồ cùng với hệ thống cống nhằm thu gom nước thải không cho chảy vào hồ, xây dựng lan can, tổ chức thu gom rác, đặt hệ thống thùng rác và nhà vệ sinh công cộng quanh hồ.
Để bảo vệ và quản lý hồ có hiệu quả thì phải huy động sự tham gia của cộng đồng và xây dựng khung thể chế thích hợp. Theo định hướng đó, năm 2010 Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã công bố bản báo cáo các dữ liệu nền của mỗi hồ và hiện trạng thể chế quản lý hồ, đưa ra một loạt khuyến nghị rất thiết thực về nhiều mặt. Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, UBND thành phố cũng đã phát động cuộc vận động xã hội hóa việc bảo vệ hồ, kè bờ và nạo vét 15 hồ, thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường 7 hồ, đạt được kết quả dự định. Tuy vậy, nhìn chung tình trạng ô nhiễm nặng nề của hệ thống hồ vẫn đang ở mức báo động đỏ!
Tôn tạo cảnh quan Hồ Tây
Quận Tây Hồ, mà Hồ Tây chiếm khoảng một nửa diện tích, đã có quy hoạch chi tiết đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đó là tiền đề thuận lợi cho việc tôn tạo cảnh quan Hồ Tây.
Để cảnh quan hồ hấp dẫn hơn nhờ có giá trị thẩm mỹ cao, có nét đặc sắc và có tiện nghi cần thiết để tiếp đón du khách, các nhà quy hoạch và các kiến trúc sư có thể áp dụng thủ pháp “tạo nơi chốn” mới hình thành từ thập kỷ 70 thế kỷ trước. Khi tạo nơi chốn cho cảnh quan hồ, chúng ta còn nên tham khảo kinh nghiệm “viên lâm học” (kiến trúc hoa viên) mà người Trung Quốc đã có từ xưa với các khu vườn nổi tiếng trong phủ đệ các quan lại cho đến Di Hòa Viên, kể cả việc đặt tên cho các tiểu cảnh và công trình để xác lập bản thể cho chúng.
Sau Hồ Tây, các hồ Bảy Mẫu, Giảng Võ và Linh Đàm sẽ lần lượt là đối tượng cho các dự án tôn tạo tiếp theo. Nếu thực hiện chương trình cải tạo các khu chung cư cũ thì ngoài hồ Giảng Võ còn có một số hồ khác như Thành Công, Kim Liên, Văn Chương sẽ sớm trở thành đối tượng cải tạo quan trọng giúp nâng cao giá trị đất đai tại các khu vực này.
Bản tin Hồ Hà Nội tiếp tục nhận được nhiều hồi âm của độc giả phản ánh và cập nhật về tình trạng ao hồ hiện nay trên địa bàn Hà Nội. Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được nhiều phản ánh của các bạn.
Bạn đọc Đoàn Thị Thùy Linh – gửi tâm sự đến chương trình
Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các hồ đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người.Cải tạo hệ thống ao hồ ở thành phố Hà Nội là rất cần thiết.Vì lợi ích mà chúng mang lại cho chúng ta là rất lớn: góp phần trong vòng tiểu tuần hoàn của khu vực, mang lại không gian thư giãn cho chúng ta sau những giờ làm việc mệt mỏi, không những vậy mà ao, hồ còn là nét đẹp truyền thống của người Hà nội, là điểm du lịch lý tưởng của khách thăm quan như Hồ Gươm, Hồ Tây…Hiện nay tôi đang là một sinh viên sắp ra trường,tôi đang làm một bài khóa luận về đánh giá thực trạng hệ thống ao hồ ở thành phố Hà Nội và đề xuất ra các giải pháp để nâng cao chất lượng nước hồ.Tôi luôn mong muốn được góp một chút công sức nhỏ bé của mình với hy vọng cứu ao, hồ.Qua quá trình khám phá vô tình tôi đã thấy được trang Wed .Trang Wed viết rất hay! tôi cũng tham khảo được nhiều điều thú vị ở đây.Chúc Wed sẽ thành công hơn nữa!
Nước hồ Bảy Mẫu đang ô nhiễm trở lại (HNM) – Đầu tháng 5, trời nắng nóng liên tục có ngày nhiệt độ đến 39-410C, những người dân đi tập thể dục ở Công viên Thống Nhất thường chứng kiến hiện tượng một góc hồ Bảy Mẫu (phía bên đường Lê Duẩn) liên tục sủi bong bóng và cặn bẩn.
Chất bẩn đùn từ dưới lòng hồ lên, loang rộng, có màu đen đặc kèm lớp váng quánh dính. Một đội công nhân được điều tới làm nhiệm vụ thu dọn vệ sinh nhưng chỉ vớt được rác nổi mà không thể ngăn được chất bẩn đùn từ dưới lên, cũng không biết làm thế nào để cho nước trong xanh trở lại…
Thuộc Dự án Thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ vốn, cách đây 3 năm, công trình cải tạo hồ Bảy Mẫu được triển khai với các hạng mục nạo vét lòng hồ, làm kè đá, đường dạo quanh hồ kèm trạm bơm công suất lớn nhằm điều tiết mực nước hồ cũng như tăng cường khả năng chống úng ngập khi Hà Nội có mưa lớn.
Trải qua nhiều tháng ngày thi công, công trình đã kịp hoàn thành trước ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhìn cảnh quan hồ sạch đẹp, đông đảo nhân dân có dịp đến đây đều kỳ vọng vào sự đổi thay của môi trường nước hồ. Tuy nhiên, hiện tượng nước hồ sủi bọt, đùn bẩn lên và màu nước biến đổi sang đen trong những ngày gần đây khiến người ta phải lo ngại.
Quan sát chúng tôi thấy, cửa cống thoát nước thải giữa khu dân cư làng Hoàng An (bên kia đường tàu) vào hồ, cũng là vị trí xuất hiện hiện tượng nước sủi bọt, đùn chất bẩn lên. Nhiều người dân sống quanh hồ cho biết, hồ Bảy Mẫu với hồ Ba Mẫu có thông nhau, nếu chỉ cải tạo hồ Bảy Mẫu thì ô nhiễm vẫn từ hồ Ba Mẫu “thông” sang… Hiện tượng nước hồ Bảy Mẫu sủi bọt bẩn cần được cơ quan chức năng và Công ty Công viên Thống Nhất xem xét, có giải pháp khắc phục sớm.