Ngày 3 và 4/6, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, nhiều hoạt động cộng đồng sôi nổi nhằm giới thiệu những mô hình, giải pháp xanh và phổ biến kiến thức môi trường đã được tổ chức nhân Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới.
Lễ phát động ngày hội “Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh” sáng 3/6 | Ảnh: BTC
Hàng năm, cứ vào ngày Ngày môi trường Thế giới (5/6), các quốc gia đều tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường. Ngày Môi trường Thế giới năm nay có chủ đề “Chỉ Một Trái đất” (Only One Earth) với thông điệp kêu gọi tất cả chúng ta hãy xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Tại sự kiện “Chung tay hành động vì Hà Nội Xanh” do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các tổ chức đồng hành tổ chức cuối tuần qua, nhiều sáng kiến/giải pháp liên quan đến giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm năng lượng và giao thông bền vững đã được giới thiệu cùng nhiều hoạt động vui chơi, phổ biến kiến thức khác.
Dưới đây là một số hình ảnh của chương trình từ Ban tổ chức và các đối tác:
Phát biểu tại sự kiện sáng 3/6, ông Nguyễn Trọng Đông – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh, năm 2022 là năm Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi chính thức áp dụng, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; phát triển kinh tế tuần hoàn và trao quyền rộng hơn cho địa phương. Do vậy, đây sẽ là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ của Hà Nội trong việc bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường.
Ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm – chia sẻ về kết quả chương trình đo kiểm khí thải miễn phí cho 5.000 xe máy trên địa bàn và hỗ trợ các chủ xe đổi xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn khí thải nếu có nhu cầu. Chương trình đã được triển khai trong năm 2021, tạo tiền đề cho Thành phố có thêm dữ liệu và cơ sở khoa học để đưa ra những chính sách kiểm soát khí thải giao thông trong những năm tiếp theo.
Các thầy cô giới thiệu mô hình “Trường học xanh” đang được triển khai ở gần 100 trường học trên địa bàn thành phố. Mô hình này lồng ghép các hoạt động giáo dục môi trường vào trong chương trình học, đồng thời khuyến khích học sinh thực hành nhiều biện pháp giảm đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tiết kiệm điện, nước và chăm sóc cây xanh tại trường.
Khách tham quan thích thú những sản phẩm tái chế của trường học xanh.
Một ví dụ giáo dục học sinh về phân loại rác thành 3 loại: rác có thể tái chế, rác vô cơ và rác hữu cơ
Hội liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm giới thiệu các ý tưởng biến chai nhựa cũ thành giá trồng cây xanh.
Chương trình “Đổi rác lấy quà” của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO)
Đa dạng các gian hàng với những sáng kiến xây dựng không gian vui chơi cho trẻ em từ vật liệu tái chế.
Hợp tác xã Sinh Dược giới thiệu sản phẩm xơ mướp rửa bát và xà bông thiên nhiên.
Đại diện một gian hàng chia sẻ về các chế phẩm sinh học giúp phân hủy những loại rác hữu cơ khác nhau. Theo thống kê, trong năm 2021, hơn 7.620 hộ gia đình ở huyện Đông Anh đã tham gia mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà, kết quả này đã giúp huyện giảm lượng rác mang đến bãi chôn lấp hoặc đốt bỏ từ 50-70%. Tính trung bình, lượng rác thải ở huyện đã giảm 12 tấn/ngày so với năm 2020.
Một gian hàng hướng dẫn sử dụng các chất chăm bón cây giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Công ty Greensteps giới thiệu về sản phẩm chậu trồng cây làm từ vỏ hộp sữa tái chế. Kỹ thuật tái chế này do KTS.Thái Khắc Tiến và các đồng nghiệp tìm ra sau nhiều lần thử nghiệm và cải tiến. Giờ đây công ty đang khuyến khích và kêu gọi cộng đồng tham gia thu gom phân loại rác thải và bảo vệ môi trường thông qua các chương trình tình nguyện hoặc đổi rác lấy quà.
Lagom cũng là một chương trình thu gom tái chế vỏ hộp sữa, liên kết với Tetrapak (hãng sản xuất vỏ hộp, bao bì lớn của thế giới) và các chương trình môi trường-giáo dục để triển khai thu gom vỏ hộp sữa tại gần 1.000 trường học ở Việt Nam. Năm 2020, Lagom đã thu gom và tái chế hơn 570 tấn vỏ hộp sữa ( tương đương 71 triệu vỏ hộp sữa) trong nước.
Kymviet là một tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật và người yếu thế. Doanh nghiệp này tạo ra các con thú nhồi bông tinh xảo và truyền tải câu chuyện nhân văn.Từ những ngày đầu thành lập vào năm 2013 chỉ với 3 nhân viên, đến nay, Kym Việt đã tiếp nhận và tạo việc làm cho 30 người khuyết tật.
Một gian hàng giới thiệu về tác hại của đồ nhựa dùng một lần và khuyến khích cộng đồng dùng các loại túi, chai lọ, hộp đựng có thể sử dụng lâu dài.
Gian hàng về tái chế quần áo cũ, nơi mọi người có thể mua bán, trao đổi những sản phẩm “cũ người mới ta”
Không gian trải nghiệm làm khuyên tai từ quần jean cũ, nhấn mạnh vai trò của Upcycle – tức tái chế vật dụng cũ thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn
PAM Air giới thiệu mạng lưới thiết bị cảm biết theo dõi chất lượng không khí của mình. Chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 2/2019, PAM Air hiện có hơn 400 trạm giám sát chất lượng không khí tại 63 tỉnh thành Việt Nam, cung cấp một trang thông tin miễn phí về diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực cho cộng đồng.
DatBike, một trong những startup xe máy điện hiếm hoi của Việt Nam, giới thiệu mẫu xe chạy bằng “nhiên liệu” ít tạo ra khí thải nhà kính hơn so với các phương tiện chạy xăng dầu hiện nay.
Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức trò chơi giúp các em nhỏ hiểu thêm về môi trường.
Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) giới thiệu các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cho học sinh.
Green Youth Labs, một chương trình thanh niên về chuyển dịch năng lượng công bằng, giới thiệu cho học sinh về những ý tưởng tiếp cận năng lượng tái tạo có thể đảm bảo công bằng về quyền tiếp cận trong xã hội.
Tổ chức phi chính phủ Live&Learn chia sẻ về các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí đang được Hà Nội triển khai trong 2-3 năm gần đây, bao gồm các nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật của ô nhiễm bụi PM2.5 tới sức khỏe người dân, kiểm kê ô nhiễm không khí từ đốt rơm rạ và tiến độ xóa bỏ bếp than tổ ong ở 12 quận, huyện tại Hà Nội.
Người dân đăng ký nhận thông tin về những sản phẩm “xanh” của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tổ chức các trò chơi đố vui giúp mọi người nâng cao nhận thức về môi trường.
Lôi kéo sự tham gia của các bạn học sinh vào trò chơi tìm hiểu “Chuyện gì đang xảy ra”
Các bạn nhỏ có thể cất lên tiếng nói về môi trường thông qua nhiều hình thức, chẳng hạn như các bức tranh.