Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TP.HCM là xấp xỉ 70%. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12%. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại, với dấu hiệu của độc tính phát sinh từ các thành phố, khu công nghiệp và nông nghiệp. Dòng chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng. Nước dưới đất ở nhiều vùng đã bị ô nhiễm, khai thác quá mức đã dẫn đến gia tăng độ mặn và nồng độ các chất ô nhiễm. Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, đến đầu tháng 4/2022, tại Long An và các tỉnh miền Tây đã diễn ra hiện tượng xâm nhập mặn ở khu vực cửa sông chính, trong đó trên hệ thống sông Vàm Cỏ độ mặn vào sâu từ 80 – 90km. Sự xuất hiện nghiêm trọng của hiện tượng này đã khiến hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.
Nước thải đô thị là góp phần lớn nhất đối với ô nhiễm nguồn nước, với chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường. Đây là hậu quả của lịch sử lâu dài để lại do không quan tâm xử lý nước tiêu thoát và nước thải của các đô thị. Do sự phổ biến của các hệ thống cống kết hợp (thu gom chung cho cả nước thải và nước mưa), nước thải sinh hoạt chiếm 30% lượng nước thải ra các hồ, kênh và sông. Tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, lượng nước thải sinh hoạt xả vào môi trường lên tới khoảng 700.000 – 900.000 m3/ngày. Tình trạng này là hệ quả của tỉ lệ kết nối với mạng lưới thoát nước thấp; thiếu đầu tư trên diện rộng vào thu gom và xử lý nước thải; thiếu quan tâm đến tái sử dụng nước thải; mức phí nước thải thấp không đủ bù chi phí; và hệ thống quản lý kém hiệu quả.