Chiều ngày 30 tháng 6 năm 2011, tại Hội trường lớn Thư viện Quốc Gia Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng – CECR đã cho ra mắt Website Hồ Hà Nội với mục đích xây dựng một mạng lưới kết nối cộng đồng gìn giữ và bảo vệ các Hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư vùng hồ. Đây là nơi truy cập thông tin khoa học, giúp tìm hiểu các phương thức truyền thống và hiện đại để bảo vệ hồ, đóng góp các sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm để chung tay bảo vệ, giám sát môi trường xung quanh các hồ.
Tại buổi lễ, Nhà nghiên cứu Quy hoạch đô thị – Phạm Thị Thanh Hiền cũng trình bày một số suy nghĩ về vị trí sinh thái của Hà Nội trong khu vực và vai trò của Hồ Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Bài trình bày liên hệ tới các khía cạnh chức năng của Hồ Hà Nội về bảo tồn, du lịch văn hóa, các con đường sinh thái nối các hồ với nhau, tạo ra cảnh quan sinh thái và trung tâm xã hội của Hà Nội.
Buổi lễ đã thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 100 khách mời đến từ các cơ quan đoàn thể và gần 60 đại diện các cơ quan thông tin báo chí. Đặc biệt Thứ trường Bộ Khoa học Công nghệ – ông Nguyễn Quân đã tới khai mạc buổi lễ. Ông Quân phát biểu: “ Thực tế Hồ Hà Nội không đơn thuần chỉ là Hồ mà nó còn là nơi lưu giữ thông tin, giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội từ sơ khai trải qua nhiều thế kỷ đến nay. Rất đáng tiếc sau nhiều năm chúng ta vẫn không có chiến lược quy hoạch bảo tồn, gìn giữ các hồ làm cho nhiều hồ đã không còn nguyên vẹn thậm chí bị tàn phá mất đi nhiều phần giá trị của nó. Vì vậy ý tưởng dự án huy động cộng đồng tham gia bảo vệ hồ là một ý tưởng tốt. Website sẽ là công cụ mạnh giúp thúc đẩy sự tham gia hợp tác các bên để bảo vệ Hồ.”
Ông Alaster Cox – Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của ông tới Hồ Hà Nội. Đại sứ quán Úc tại Việt Nam hàng năm tổ chức Ngày làm sạch (Clean Up Day) vào mùa thu và hy vọng mùa thu 2011 Clean Up Day sẽ có các hoạt động về Hồ.
Ông Eric Frater – Bí thư thứ hai, Phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ của chương trình Môi trường Đại sứ quán Mỹ tới ý tưởng này.
Ông Jake Brunner, Giám đốc Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam, đồng tài trợ cho Website phát biểu: “ Trong thế kỉ 21 này, chúng ta đang phải đối mặt với sự nóng lên của Trái đất và ô nhiễm Môi trường. Chúng tôi đánh giá tất cao ý tưởng của CECR, không chỉ góp phần hoàn thiện bức tranh Hồ Hà Nội mà còn có giá trị tôn tạo, bảo vệ Hồ Hà Nội. Tôi hy vọng, website sẽ tạo nguồn sáng tạo, xây dựng năng lượng cho cho cộng đồng dân cư các tỉnh bảo vệ hồ trong địa phương mình, nhất là vùng duyên hải Việt Nam “.
Đến dự lễ ra mắt còn có ông Michal Kral – Đại sứ cộng hòa Séc tại Việt Nam đặc biệt yêu hồ Hà Nội. Đại sứ quán Séc đã hỗ trợ xây dựng thông tin nền về Hồ Hà Nội.
Tham gia buổi lễ còn có nhà khoa học về Hồ – Giáo sư Mai Đình Yên, bà Nguyễn Thị Hồi – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Canada và Áo, ông Trương Mạnh Tiến – nguyên Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, bà Lê Thanh Bình – nguyên Quyền cục trưởng cục Bảo vệ đa dạng Sinh học, bà Nguyễn An Ninh – nguyên Trưởng phòng VTV3, bà Đinh Thị Ngát – Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ và đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các cộng đồng và các sinh viên đến từ các trường đại học.
Thành công của buổi lễ ra mắt còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Thư Viện Quốc gia Việt Nam và Công ty Truyền thông Galaxy.
Thông tin về buổi lễ đã được đăng tải trên khoảng 10 báo giấy, hơn 60 báo mạng và nhận được sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng cư dân mạng trên cả nước, đặc biệt là những người sống và làm việc tại Hà Nội.
Website Hồ Hà Nội: http://www.cecr.vn/
Trang web “ Hồ Hà Nội ” gồm 6 phần chính: Chương trình (Bảo vệ môi trường sinh thái, Phụ nữ và biến đổi khí hậu); Trang Hồ Hà Nội (Chương trình bảo vệ Hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng theo hướng cách tiếp cận hệ sinh thái, Định nghĩa Hồ khỏe, Vai trò của các bên liên quan, Các hợp phần); Sách Hồ Hà Nội; Cộng đồng bảo vệ hồ; Thư viện ảnh; CECR… Đặc biệt, trang web bao gồm toàn bộ nội dung cuốn sách thông tin về hồ 6 quận lõi Hà Nội, phản ánh hiện trạng môi trường của 120 hồ, ao, đầm, kết quả phân tích về tình trạng môi trường nước và hành lang bờ, quản lý hồ, các phân tích về quản lý hồ Hà Nội cùng báo cáo thể chế với 23 kiến nghị cụ thể cho công tác quản lý hồ với sự tham gia cộng đồng theo hướng tiếp cận hệ sinh thái. Với mục tiêu cung cấp thông tin nền về các hồ ở Hà Nội, cuốn sách trở thành công cụ cho cộng đồng đặc biệt là các cộng đồng sống xung quanh khu vực hồ tham gia bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ hành lang bờ ven hồ và ngăn các nguồn xả thải vào hồ để nước hồ trong sạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho thành phố Hà Nội. Ngoài ra, bạn đọc có thể đóng góp ý kiến, cung cấp các thông tin, cho trung tâm bằng cách gửi email qua mục Liên hệ của website.
Đô thị sinh thái
Lịch sử ra đời của đô thị sinh thái
Ý tưởng về đô thị sinh thái có nguồn gốc từ những năm 80 của thế kỷ XX và đã được công bố công khai lần đầu tiên bởi các học giả Đức, nó liên quan trực tiếp đến các cuộc tranh cãi về trách nhiệm đối với hệ sinh thái vốn đã được đưa ra từ những năm 60. Các khái niệm đô thị sinh thái (Ecocity) đầu tiên được tập trung vào sự trao đổi về những hoạt động diễn ra trong đô thị (vòng tròn năng lượng, nước, chất thải, khí thải…).
Các nguyên tắc của phong trào Ecocity khá đơn giản: mọi người có thể sống, làm việc, mua sắm tại các cửa hàng, vui chơi trong một khoảng cách gần và lựa chọn giao thông đầu tiên trong ecocity phải là đi bộ, xe đạp là thứ hai, thứ ba là phương tiện giao thông công cộng, và cuối cùng mới đến các xe ô tô.
Thành phố sinh thái Ottawa, thủ đô của Canada
Định nghĩa
Theo định nghĩa của Tổ chức Sinh thái đô thị của Úc thì “Một thành phố sinh thái là thành phố đảm bảo sự cân bằng với thiên nhiên”, hay cụ thể hơn là sự định cư cho phép các cư dân sinh sống trong điều kiện chất lượng cuộc sống tốt nhưng sử dụng tối thiểu các nguồn TNTN.
Theo quan điểm của Richard Register về các thành phố sinh thái bền vững, thì đó là các đô thị mật độ thấp, dàn trải, được chuyển đổi thành mạng lưới các khu dân cư đô thị mật độ cao hoặc trung bình có quy mô giới hạn được phân cách bởi các không gian xanh. Hầu hết mọi người sinh sống và làm việc trong phạm vi khoảng cách đi bộ và đi xe đạp.
Một ĐTST là một đô thị mà trong quá trình tồn tại và phát triển của nó không làm cạn kiệt TNTN, không làm
suy thoái MT, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong đô thị.
– Thành phố sinh thái là thành phố không những giữ gìn MT trong lành cho chính mình mà còn không gây ra ÔNMT và áp lực đối với TNTN vùng nông thôn xung quanh, nhất là vùng ngoại thành, nằm ở cuối nguồn nước, cuối hướng gió thành phố.
Các tiêu chí đánh giá đô thị sinh thái trên thế giới
Thành phố sinh thái Helsinki, thủ đô của Phần Lan
Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (International Ecocity Standard – IES) được tập hợp từ nhóm các nhà xây dựng đô thị sinh thái (Ecocity Builders), tập hợp các thành viên của các tổ chức từ khắp nới trên thế giới. IES đánh giá hiện trạng và quá trình phát triển mới của các đô thị trong việc hướng tới để trở thành đô thị sinh thái. IES đánh giá mức độ đạt được trên các quy mô khác nhau từ các khu vực nhỏ đến toàn bộ vùng, dựa trên nguyên tắc của các hệ thống và các thiết kế sức khỏe sinh thái.
Các tiêu chí xem xét đánh giá đô thị sinh thái, theo IES, bao gồm các nhóm:
– Cơ cấu đô thị: về sử dụng đất và kiến trúc;
– Giao thông đô thị với thứ tự ưu tiên: giao thông đi bộ, xe đạp, thang vận), giao thông công cộng bằng xe điện hoặc tàu điện ngầm, giao thông công cộng bằng xe bus rồi mới đến xe ô tô con;
– Năng lượng: sử dụng năng lượng có thể tái tạo như gió, mặt trời…, hạn chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được, dùng các giải pháp bảo tồn năng lượng;
– Xã hội: đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kiến trúc và thiết kế chỗ ở và sinh hoạt cho người dân, đảm bảo về giáo dục và việc làm…;
– Nông nghiệp
– Quy hoạch các khu vực đặc thù và các công cụ quản lý;
– Chính sách và thể chế quản lý;
– Kinh tế…
Tháng 8: Mùa sen Hà Nội
Những đóa sen trăng trắng, hồng hồng thấp thoáng về lại trên những nẻo đường Hà Nội. Những đóa hoa còn mọng sương khẽ khàng nhô lên phía sau chiếc nón lá bạc màu của những người phụ nữ bán hàng rong.
Mỗi một chục bông hoa nép mình vào nhau giữa một chiếc lá sen to xanh ngắt, đợi tay người mua đón về, cắm vào những chiếc bình gốm sứ, dịu dàng tỏa hương thơm tinh khiết, thanh lọc cho từng gian phòng, từng căn nhà.
Vì lẽ người Hà Nội tất bật, và sen lại quá lặng lẽ, nên thật dễ đi qua một mùa sen ngắn ngủi mà chưa kịp nâng những đóa hoa thanh mảnh trên tay, để hương thơm ngan ngát ấp đầy lồng ngực. Những đóa sen còn chum chúm hôm nay, chỉ qua một đêm đã nở bung kiêu hãnh, khoe hết mình sắc trắng tinh khôi hoặc sắc hồng lộng lẫy.
Sen đẹp và thơm khi còn đơm nụ, khi nở và cả khi tàn. Chỉ sau một hoặc hai ngày dâng hiến hết mình cho vẻ đẹp và hương thơm, những cánh hoa sen còn tươi nguyên đã rời cuống hoa, phủ mềm xung quanh những chiếc bình sứ, để lại trong lòng người yêu hoa một sự tiếc nuối về sự mong manh của vẻ đẹp.
Nhưng những ai yêu hoa sen ở Hà thành không chỉ đợi sen về trên phố, mà đón sen ở tận Tây Hồ. Những đầm nước Hồ Tây vào mùa đông vốn dĩ chỉ có nước và sóng, ít ai nhớ về những gốc sen đang im ngủ dưới bùn.
Khi tiếng ve báo hiệu mùa hè và những hàng phượng đỏ thắp ngời con phố cũng là lúc sen nôn nao thức dậy, để rồi mặt nước chợt sóng sánh những chiếc lá sen nhỏ xíu như bàn tay, lúc ẩn lúc hiện, lan tỏa cùng những tia nắng vui tươi. Từ bùn lầy, sen ấp ủ cho mình một sức sống diệu kỳ. Chỉ vài tuần, cả đầm nước đã ắp đầy màu xanh của những sóng lá nhấp nhô. Những chiếc lá sen xòe rộng, vươn ra như muốn đón lấy đất trời vào trong lòng mình. Khi chưa đơm nụ, chưa nở hoa, cả đầm sen đã tỏa hương ngào ngạt.
Những người yêu hoa sen cũng thường lặn lội đến đầm sen Tây Hồ để mua sen vào mỗi sáng sớm tinh sương, nơi những chiếc thuyền gỗ nhỏ cặp bờ, chở về hàng trăm đóa sen vừa mới hái. Ôm từng bó sen về nhà, xa rời sen vẫn còn thấy đâu đấy thoang thoảng hương thơm. Dường như hương sen thật thủy chung với người yêu hoa, quyến luyến mãi chẳng muốn rời.
Mấy năm gần đây, sen Tây hồ chỉ còn lại ở khu vực xung quanh Công viên nước Hồ Tây thuộc phường Nhật Tân và khu đầm Trị thuộc phường Quảng An, song cứ vào độ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 9, một vùng sen hồng tỏa hương thơm ngát làm nên nét đẹp đặc trưng rất riêng, quyến rũ đến lạ lùng ở vùng đất thiêng Thăng Long – Hà Nội.
Website Hồ Hà Nội đã được gần 2 tháng tuổi kể từ Lễ ra mắt. Đã có nhiều các đóng góp chia sẻ của bạn đọc gửi về Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Xin các bạn tiếp tục gửi.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (cư dân sống gần Hồ Sen – Quận Tây Hồ chia sẻ về môi trường hồ sau khi đã được cải tạo, mang lại môi trường trong lành cho cư dân quanh Hồ ):
“Hồ Sen (còn có tên gọi là hồ Dài) vừa mới được cải tạo đã mang lại môi trường cảnh quan sạch đẹp với vườn hoa, ghế đá, đường dạo, cây xanh, công viên và đài phun nước, khiến môi trường trên địa bàn khu dân cư trở nên trong lành, tươi mát, cải thiện ô nhiễm môi trường, mang lại niềm vui, sức khỏe cho dân cư trên địa bàn, là điểm vui chơi giải trí, góp phần tô đẹp Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp.”
Bạn đọc Phạm Thị Kim Dung, Thanh Xuân – Hà Đông: đã tham gia các hoạt động tình nguyện về làm sạch Hồ Hà Nội chia sẻ:
“Khi tham gia hoạt động tình nguyện, chúng em đã thực hiện việc dọn dẹp tại hồ Thành Công, đây là khu hồ có cảnh quan rất đẹp và trong một khu dân cư có dân trí cao, công tác vệ sinh cũng được thực hiện cẩn thận nhưng hồ vẫn rất bẩn, cá chết và dạt vào mép hồ. Chúng em có kết hợp với các bác hưu trí để dọn dẹp nhưng do ý thức của một số người dân còn kém nên môi trường hồ vẫn chưa được cải thiện. Hồ trong khuân viên trường Đại học
Bách Khoa tuy nhỏ nhưng cá chết rất nhiều có những con nặng gần kg, hồ không có hệ thống thay
nước và chất thải từ khu thực nghiệm bên cạnh.
Trong làng Triều Khúc – Nguyễn Trãi có 1 hồ gồm 3 cụm hồ ngay giữa khu dân cư và cạnh chùa nhưng hồ không có chỗ thoát nước nên rất bẩn, váng rêu phủ đầy mặt, nước thải của khu dân cư trực tiếp thải nước vào hồ.”
Bạn đọc Ngô Gia Trung chia sẻ về Trắm khủng long , một loài cá bản địa của Hồ Tây :
“Trắm đen còn gọi là trắm ốc, là loài cá bản địa của lòng Hồ Tây cần tái tạo và phát triển. Các cần thủ gọi trắm đen là khủng long, họ rất đam mê câu loại cá này.”
(Cá trắm đen có danh pháp khoa học là Mylopharyngodon piceu là một loài cá thuộc Họ Cá chép. Cá trắm đen được nuôi để làm thực phẩm và dược phẩm. Cá trắm đen có thể có chiều dài lên đến 1 m và nặng đến 32 kg. Chúng ăn ốc sên, ốc nhồi.)
Bạn đọc Chung, Long Biên cho biết:
“Mình ở bên Long Biên, khu vực Bồ Đề mình đang sống cũng có 4 đến 5 hồ, tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Ngày trước, mùa hè trẻ con quanh khu vực đó hay ra bơi, nhưng gần năm trở lại đây, rác thải nhiều, nhất là hồ sinh thái Lâm Du, mặc dù đã được hút nước nhiều lần do nước quá bẩn, nhưng tình trạng dân xung quanh xả rác thường xuyên nên nước vẫn ô nhiễm.”