Ngày 24 tháng 02 năm 2022, Hội thảo: Phát triển mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam (VIWACON) năm 2 được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức. Hội thảo có sự góp mặt của các thành viên sáng lập mạng lưới VIWACON, các chuyên gia cố vấn phát triển mạng lưới và các khách mới đặc biệt sẽ cùng nhìn lại các hoạt động và những nỗ lực của thành viên VIWACON trong công tác bảo tồn nguồn nước trong hơn một năm qua, tìm hiểu bối cảnh mới cho sự phát triển của mạng lưới VIWACON trong năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc chương trình, Bà Nguyễn Ngọc Lý – Sáng lập viên VIWACON/Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR chia sẻ: “Trong hơn một năm qua, mạng lưới của chúng ta đã cùng với các đối tác địa phương đưa các cách tiếp cận phi kỹ thuật kết hợp với các biện pháp kỹ thuật nhằm cùng với địa phương tìm cách kiểm soát ô nhiễm rác ở cảng cá, ở các ao hồ, sông ngòi, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tái chế sử dụng nước, truyền thông các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu ở các vùng thiên tai. Khi thấy cách mạng số hóa đã trở thành phương thức đổi mới cho các ngành kinh tế, có một câu hỏi chúng tôi luôn trăn trở là liệu cuộc cách mạng số hóa có thế giúp chúng ta nâng cấp được các giải pháp cho môi trường có sự tích hợp tốt hơn, thích ứng tốt hơn, kịp thời hơn, rộng khắp hơn được hay không? Hình như cứ nói số hóa là nói tới việc vươn tới các cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia thì phải. Vì bản chất của công tác môi trường là sự tham gia của mọi cộng đồng vậy có thể ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa cho các giải pháp môi trường có được không? … Chúc hội thảo chúng ta thành công. Chúc cho cá và các loài thủy sinh sẽ được sống trong nguồn nước sạch, chúc cho thế hệ tương lai sẽ được bơi lội tắm mát trong những dòng sông trong xanh, chúc cho biển của chúng ta mãi là nguồn lực kinh tế tuyệt vời cho Việt Nam.”
Bà Nguyễn Ngọc Lý – Sáng lập viên VIWACON/Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Đức Dương – Quản lý chương trình Local Works, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: “Sự chung tay của NGOs và các cơ quan nhà nước cùng đối tác doanh nghiệp là hướng mà chúng ta nên khai phá và phát triển. Đây là định hướng mới, quan trọng trong phát triển Mạng lưới. Sự ô nhiễm không chỉ từ nước mà còn từ nguồn khác, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải cùng chung tay hành động với chính phủ Việt Nam trong xây dựng chính sách và giám sát thực hiện chính sách tại địa phương. Qua 2 ngày Hội thảo, chúng ta cùng nhìn lại các hoạt động đã có và chung tay chung sức tìm ra hướng đi hoạt động hiệu quả hơn, phát triển Mạng lưới với nhiều đối tác và giúp ích cho chính phủ Việt Nam nhiều hơn”
Ông Nguyễn Đức Dương – Quản lý chương trình Local Works, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
Trong ngày đầu tiên của hội thảo, những thông tin về xu hướng công nghệ số và chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng trong lĩnh vực môi trường được trình bày bởi những chuyên gia hàng đầu đến từ tập đoàn hàng đầu Việt Nam về công nghệ: Ông Nguyễn Duy Khánh – Tập Đoàn Bảo Việt; Ông Nguyễn Đình Tuấn – Tập đoàn Viettel; Ông Nguyễn Thành Nam – Nguyên Tổng Giám đốc FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Nhà sáng lập – Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX.
Ông Nguyễn Duy Khánh – Tập đoàn Bảo Việt với bài trình bày về “Công nghệ số và môi trường”
Ông Nguyễn Đình Tuấn – Tập đoàn Viettel với bài trình bày về “Xu hướng chuyển đổi số”
Ông Nguyễn Thành Nam – Nguyên Tổng Giám đốc FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Nhà sáng lập – Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX tham gia chia sẻ và trao đổi tại hội thảo
Để có những kế hoạch phát triển mạng lưới phù hợp, những diễn giải đến từ khối Nhà nước: Bà Chu Thanh Hương – Cục Biến đổi Khí hậu; Bà Nguyễn Thúy Anh – Cục Quản lý Tài nguyên Nước; Ông Bùi Đức Hiếu – Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mang đến phần trình bày cập nhật về Biến đối khí hậu & COP26; Quá trình & đinh hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước; và Tổng quan về An Ninh Nguồn Nước tại Việt Nam. Các bài trình bày đã vẽ lên bức tranh tổng quan về bối cảnh mới và các cơ hội mới cho sự phát triển mạng lưới.
Bà Chu Thanh Hương – Cục Biến đổi Khí hậu với bài trình bày về “Biến đổi khí hậu và COP26”
Bà Nguyễn Thúy Anh – Cục Quản lý Tài nguyên Nước với bài trình bày về “Quá trình, định hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước”
Ông Bùi Đức Hiếu – Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường với bài trình bày về “Tổng quan An ninh nước Việt Nam”
Ngay sau đó, toàn thể đại biểu tham dự đã được nhìn lại các hoạt động của Mạng lưới VIWACON trong một năm đầu tiên do TS. Ngô Huy Liêm – Cố vấn cấp cao của Mạng lưới chia sẻ và được khái quát thông qua phim tài liệu ngắn của mạng lưới.
TS. Ngô Huy Liêm – Cố vấn cấp cao của Mạng lưới
Tiếp theo, hội thảo bước sang nội dung về trọng tâm trong phát triển mạng lưới:
- Xây dựng Năng lực tổ chức gắn liền với sự phát triển của Mạng lưới
Bà Hoàng Nghệ Hà, chuyên gia phát triển mạng lưới
- Truyền thông vận động chính sánh: An ninh nguồn nước, sức khỏe các dòng sông
Bà Nguyễn Thị Phương Lâm, Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CAWAREC)
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Bà Trịnh Như Quỳnh, Giám đốc Đối ngoại, Marketing và Thương hiệu Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam
- Huy động nguồn lực và gây quỹ
Bà Lê Kim Thái, Tổ chức Oxfam Việt Nam
Những vấn đề trọng tâm mà mạng lưới theo đuổi trong năm thứ hai sẽ được thể hiện chi tiết hơn trong kế hoạch hoạt động của mạng lưới được xậy dựng trong ngày thứ 2 của hội thảo.
Phát biểu tổng kết ngày 1 của hội thảo, Ông Nguyễn Khắc Hùng – Giám đốc điều hành CECR nhấn mạnh: “Chúng ta đã qua ngày đầu tiên với các nội dung mang tính lý luận, cơ sở để đặt nền móng trước khi bước sang ngày 2 – một ngày làm việc trực tiếp và cụ thể vào rà soát tầm nhìn, sứ mệnh, thống nhất quy chế hoạt động và cơ cấu tổ chức của mạng lưới; cũng như lựa chọn vấn đề và giải pháp trong xây dựng kế hoạch hành động của mạng lưới.”
Ông Nguyễn Khắc Hùng – Giám đốc điều hành CECR
Cùng chờ đón những kết quả trong ngày làm việc thứ hai của Hội thảo với sự dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu của mạng lưới và tinh thần làm việc tận tâm và nhiệt huyết của các đại biểu, đặc biệt các thành viên sáng lập của mạng lưới VIWACON.