Chương trình “Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam” được tài trợ bởi Công ty TNHH DOW Chemical Việt Nam, chỉ đạo triển khai bởi Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm theo Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 7-1-2020 về triển khai thực hiện chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông trên địa bàn quận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và Kế hoạch số 95/KH-UBND của UBND quận Hoàn Kiếm ngày 31 tháng 03 năm 2021 về triển khai thực hiện chương trình giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại quận Hoàn Kiếm do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) hỗ trợ triển khai. Dự án “Mô hình Kinh tế tuần hoàn rác thải dựa vào cộng đồng tại quận Hoàn Kiếm”, tập trung vào rác thải nhựa có giá trị thấp, được xây dựng và triển khai đầu tiên tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mô hình sẽ cung cấp đầu vào và xác định các vấn đề ưu tiên trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa tại địa phương. Hoạt động thí điểm cũng là bước đầu để hỗ trợ áp dụng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải trên toàn thành phố.
Mô hình đã được triển khai thí điểm ở phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, từ 12/2021-07/03/2022 và đạt được các kết quả như sau: lượng rác giá trị thấp thu gom được là 693.8 kg; lượng rác giá trị cao thu gom được: 2374 kg và lượng rác hữu cơ thu gom được là: 45 tấn (ước tính). Dựa trên các kết quả thu được, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định chỉ đạo nhân rộng mô hình trên địa bàn 06 phường: Hàng Đào, Hàng Trống, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Cửa Đông, Phúc Tân
Quá trình triển khai nhân rộng ở 6 phường (từ 17/03 – nay) đã đạt được một số kết quả khả quan: lượng rác giá trị thấp thu gom được khoảng 9700 tấn; ước tính lượng rác giá trị cao thu gom được khoảng 42.7 tấn và lượng rác hữu cơ khoảng 808.9 tấn.
Đến nay, mô hình ghi nhận được sự tham gia của 5000 hộ dân trên địa bàn phường cùng 45 nhóm nòng cốt ở 45 tổ dân phố và 56 công nhân Urenco, thu được gần 10 tấn rác nhựa giá trị thấp, đã vận chuyển về cơ sở tái chế để thực hiện tái chế thành các sản phẩm phục vụ đời sống con người (gạch lát, ngói lợp, hạt nhựa tái chế. Đây là những con số biết nói, những thành tựu rạng rỡ đạt được sau hơn một năm dự án đi vào hoạt động đồng thời là sự khích lệ to lớn đối với những nỗ lực không mệt mỏi của những người thực hiện dự án và của cả cộng đồng.