Dự án "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường"

Dưới khuôn khổ Chương trình Đối tác Mekong về Môi trường (MPE), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã lần lượt triển khai các nghiên cứu, dự án nhằm tạo nền tảng cũng như thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Nghiên cứu Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường trong hai dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam: Các khuyến nghị chính sách và sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường

Nghiên cứu được tiến hành trong năm 2015 – 2016 với hai địa điểm lựa chọn là: Dự án thủy điện Trung Sơn, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, và Dự án bãi chôn lấp chất thải rắn tại thành phố Buôn Ma Thuột, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) tài trợ. Nghiên cứu nhằm đạt được 3 mục tiêu:

  1. Hiểu đầy đủ các khía cạnh giới trong việctham gia vào quá trình ĐTM thông qua việc xem xét các thủ tục hiện hành về ĐTM trong các dự án cơ sở hạ tầng và đánh giá sự tham gia của các nhóm phụ nữ (các chuyên gia kỹ thuật và phụ nữ bị ảnh hưởng) trong các bước của ĐTM.
  2. Nghiên cứu những hạn chế và lợi ích của việc phụ nữ tham gia vào ĐTM trong các dự án được lựa chọn.
  3. Đưa ra các khuyến nghị cho cả hai hướng dẫn ĐTM ở cấp quốc gia và khu vực về những khía cạnh giới ở các nước thuộc vùng hạ nguồn sông Mê Kông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ gần như vắng mặt trong các bước sàng lọc, xác định phạm vi và nghiên cứu hiện trạng của ĐTM ở cả hai địa điểm khảo sát. Luật BVMT và các tài liệu hướng dẫn không yêu cầu cụ thể phải tiến hành tham vấn trong quá trình ĐTM như thế nào, và cũng không đề cập đến sự tham gia của phụ nữ. Tương tự như vậy, cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á chưa có hướng dẫn rõ ràng về sự tham gia của các nhóm phụ nữ trong các cuộc tham vấn.
Phụ nữ đã tham dự các cuộc họp tham vấn cộng đồng về kế hoạch quản lý xã hội và môi trường, và đặc biệt là các cuộc họp về kế hoạch tái định cư ở cả hai địa điểm nghiên cứu. Sự cam kết mạnh mẽ đối với tham vấn cộng đồng là điều kiện kiên quyết để đưa tiếng nói và mối quan tâm của phụ nữ vào quá trình ĐTM.
Các khuyến nghị của nghiên cứu bao gồm:

  • Sửa đổi khung pháp lý quốc gia về ĐTM và sự tham gia cộng đồng để phù hợp với Luật Bình đẳng giới;
  • Củng cố cơ chế trách nhiệm giải trình trong pháp luật quốc gia và chính sách an toàn của các nhà tài trợ;
  • Tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong ĐTM và tham vấn cộng đồng;
  • Sử dụng năng lực của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực, và tham gia giám sát trong suốt quá trình ĐTM;
  • Xây dựng những thực hành tốt về giới và ĐTM thông qua việc phát các hướng dẫn lồng ghép giới trong ĐTM.

Các khuyến nghị này đã được trình lên Nhóm công tác kỹ thuật trong khu vực để xem xét xây dựng hướng dẫn về tham vấn cộng đồng trong ĐTM cho khu vực tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra, các chuyên gia về ĐTM, các ngân hàng phát triển, các nhà đầu tư, và các quan chức chính phủ tại Việt Nam và trong khu vực có thể sử dụng các khuyến nghị trong báo cáo này như là tài liệu tham khảo. Nghiên cứu này có thể cung cấp nền tảng cho phụ nữ tham gia trong ĐTM cho các dự án cơ sở hạ tầng tương lai trong khu vực, và phát triển những thực hành tốt nhất dựa trên kinh nghiệm của khu vực. Báo cáo cuối cùng của nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2016 nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia về giới, chuyên gia môi trường.
Xây dựng Sổ tay hướng dẫn Sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường 
Dựa trên các rào cản được phát hiện từ nghiên cứu Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường trong hai dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam: Các khuyến nghị chính sách và sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường, với khuyến nghị cần có một hướng dẫn kỹ thuật để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong ĐTM, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tiếp tục xây dựng Sổ tay hướng dẫn sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường.
Mục tiêu của Sổ tay nhằm thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong quá trình ĐTM thông qua giới thiệu một số nguyên tắc, cách thức và cung cấp các công cụ chỉ dẫn thực hành tốt nhất.
Sổ tay được triển khai xây dựng bởi nhóm chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng với sự hỗ trợ của Nhóm công tác kỹ thuật. Quá trình xây dựng sử dụng cách tiếp cận sự tham gia thông qua việc tham vấn các nhóm kỹ thuật với các cán bộ từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng, các nhà tài trợ, những người đề xuất/nhà đầu tư/ nhà phát triển dự án, và đông đảo các chuyên gia về ĐTM và về giới. Ý kiến đóng góp xây dựng Sổ tay được thu thập trong quá trình từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2016 thông qua 5 cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật và 2 hội thảo tham vấn. Dự thảo của Sổ tay cũng được hoàn thiện trong năm 2016 và dự kiến sẽ được công bố vào tháng 2/2017.
Dự án cũng đã huy động sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình từ Viện nghiên cứu Công nghệ Châu Á tại Việt Nam trong việc xây dựng Sổ tay cũng như việc cam kết thúc đẩy sử Sổ tay khi Sổ tay được hoàn thiện. Bên cạnh đó, dự án cũng đã thiết lập được mạng lưới Nữ chuyên gia về ĐTM (WEIA). Mạng lưới này đã được mở rộng và cam kết sẽ tiên phong trong việc áp dụng Sổ tay trong các ĐTM.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments