“Qua một số dự án về bảo vệ các hồ tại Hà Nội cho thấy, mặc dù cộng đồng đã tham gia tích cực làm sạch hồ. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều hồ cũng chưa thể sạch trở lại bởi một lý do là hồ vẫn còn chức năng là nơi chứa nước thải. Bởi vậy, chừng nào chúng ta chưa thực hiện được việc loại bỏ chức năng chứa nước thải thì hồ vẫn chết.”
Thông tin trên được bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đưa ra tại buổi Tọa đàm “Sự tham gia của cộng đồng và tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm thực tiễn và nhu cầu thể chế hóa cho việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Vụ Pháp chế (Tổng cục Môi trường) tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.
Theo bà Lý, nguyên nhân khiến các hồ ở Hà Nội vẫn còn bẩn là do Hà Nội chưa loại bỏ được chức năng nước thải của các hồ; trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không có một bộ hướng dẫn cho cộng đồng muốn bảo vệ hồ thì phải làm thế nào.
“Về tài chính, nếu cộng đồng có một sáng kiến bảo vệ hồ tốt hơn thì họ xin tiền từ đâu? trong khi có quá nhiều nơi quản lý và chịu trách nhiệm hồ lại chưa hiệu quả,” bà Lý đặt thêm câu hỏi.
Trước thực tế nêu trên, bà Lý đề cho rằng để cải thiện vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể tại địa phương về cách thức làm sạch hồ cho cộng đồng tham gia. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư về tài chính cho công tác nạo vét làm sạch hồ, loại bỏ chức năng là nơi chứa nước thải như tại một số hồ hiện nay.
Đồng tình quan điểm trên, tiến sỹ Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường) cũng kiến nghị cơ quan quản lý địa phương cần đề cao hơn nữa trách nhiệm, quyền hạn của người dân và các tổ chức thôn, xóm trong văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, bởi người dân và các tổ chức này là hạt nhân trong mọi hoạt động xã hội.
Chủ trì buổi tọa đàm, ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, để tạo hàng lang pháp lý đồng bộ cho cộng tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ tài nguyên và Môi trường đang tiến hành xây dựng các văn bản hưỡng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014.
“Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật này sẽ mở ra cơ hội để các quy định về sự tham gia của cộng đồng tiếp tục được cụ thể và đảm bảo bằng chế tài pháp lý rõ ràng hơn,” ông Dung tin tưởng./.
Theo Vietnamplus.
Subscribe
Login
0 Comments