Quy định về bảo vệ môi trường nước rải rác tại nhiều văn bản luật; nhiều bộ ngành cùng có trách nhiệm quản lý, xử lý nước thải dẫn tới chồng chéo, thiếu phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, vì vậy môi trường nước vẫn đang ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại tọa đàm “Nguồn nước sạch và phát triển bền vững: Vấn đề chính sách” vừa diễn ra.
Theo PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, mặc dù hệ thống quy định pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước được quy phạm hóa trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường hay Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Những văn bản này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với chất lượng nguồn nước, song theo đánh giá của các chuyên gia, chúng vẫn còn chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa trở thành một hệ thống, chưa giải quyết được gốc vấn đề. Trong khi đó, xử lý ô nhiễm nguồn nước đòi hỏi những phương pháp hết sức cụ thể, nên khi áp dụng luật cho từng con sông, con suối, tính hiệu quả không còn.
Ví dụ quy định buộc các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có khu xử lý rác thải tập trung nhưng vì thiếu hướng dẫn cụ thể nên có rất nhiều trường hợp vi phạm mà không bị “sờ gáy”. Hoặc, chỉ tiêu quan trắc còn chung chung dẫn tới số liệu về ô nhiễm môi trường nước không được cập nhật kịp thời dù hệ thống quan trắc nước được bố trí rộng khắp các tỉnh. Một kỹ sư trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều quy chuẩn, quan trắc đối với môi trường nước chưa hợp lý. Chẳng hạn, nồng độ xyanua trong nước thải phải đạt quy chuẩn nhất định song lại cho phép nồng độ cao hơn đối với nhà máy sản xuất thép.
Nguồn: ITN |
Bên cạnh đó, sự thiếu thống nhất, chồng chéo trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu vực sông cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm nguồn nước vẫn nghiêm trọng. Riêng về giám sát chất lượng nước, khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu cơ chế phối hợp liên ngành giữa ngành y tế, xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, dẫn tới nhiều cơ sở cấp nước tập trung bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần và cũng có nơi không bị kiểm tra. Đó là chưa kể các ngành khi đánh giá chất lượng nước sử dụng các phương pháp xét nghiệm khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.
Thay đổi cách tiếp cận
Xuất phát từ thực tế này, nhiều chuyên gia kiến nghị cần xây dựng một luật riêng về kiểm soát ô nhiễm nước. Tuy vậy, quy định như thế nào và tới đâu cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia. TS. Nguyễn Thị Như Mai cho rằng, để giải quyết được tình trạng luật khung, luật ống, cần thay đổi cách tiếp cận, đi từ dưới lên theo hướng chi tiết, cụ thể, như vấn đề về nguồn xả thải, quy chuẩn, tiêu chuẩn và quan trắc môi trường. Đặc biệt, từng vùng địa lý kinh tế phải có quy chuẩn khác nhau, không nên đưa ra những quy định chung chung như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm đó, TS. Nguyễn Thanh Hải, Bộ NN – PTNT cho biết, khi xây dựng luật này phải quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nguồn nước; đồng thời phải đánh giá được khả năng chịu đựng của từng dòng sông bởi hiện nay văn bản luật mới chỉ xác định tiêu chuẩn xả thải của từng doanh nghiệp mà chưa tính tới khả năng chịu tải của dòng sông. Giả sử quá nhiều nhà máy xả thải cùng lúc thì dù các nhà máy đó có bảo đảm tiêu chuẩn xả thải nhưng nguồn thải ra sông lại quá lớn thì cũng rất khó bảo đảm nguồn nước không bị ô nhiễm.
“Muốn có một luật chuyên sâu thì phải rõ đối tượng điều chỉnh của luật như thế nào, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn để người dân, doanh nghiệp khi thực hiện không phải tìm kiếm trong quá nhiều văn bản luật mà chỉ tập trung vào một văn bản đó thôi đã đủ biết. Ra đời một luật riêng đồng nghĩa với việc phải rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối trong quản lý, xử lý nước thải tránh được tình trạng đùn đẩy, đá bóng sang nhau” – ông Nghiêm Xuân Bạch, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội) khẳng định.
Nguồn : Báo điện tử đại biểu nhân dân
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=375278