BẢO TỒN NGUỒN NƯỚC
Việt Nam có nguồn nước mặt tương đối phong phú với khoảng 3450 sông, suối dài trên 10 km và hàng nghìn hồ, ao, đất ngập nước, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức không bền vững như nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài; nguồn nước phân bổ không đồng đều theo không gian và thời gian; thiên tai và biến đổi khí hậu, và đặc biệt là suy thoái chất lượng nguồn nước do các nguồn ô nhiễm. Mặc dù Chính phủ đã qui định các điều khoản về việc bảo tồn nguồn nước mặt, kiểm soát các nguồn thải và bảo vệ môi trường nước sông và các nguồn nước khác trong Luật BVMT 2020, và Luật Tài nguyên nước 2012. Tuy nhiên, chất lượng nước mặt ở Việt Nam đã và đang phải đối diện với sự suy thoái nghiêm trọng ở cả 63 tỉnh thành. Ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp, nước trên các sông, ngòi, kênh, rạch bị ô nhiễm tới mức gần như biến chất, gây nguy hiểm đối với con người và sinh vật thủy sinh. Điển hình ở thành phố Hà Nội là sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu đã trở thành một phần trong hệ thống thoát nước thải nên nước sông trở nên đen sẫm, bốc mùi như nước cống. Để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sự cam kết, sự tham gia và chung tay của tất cả chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học, các nhà khoa học, để giảm thiểu những thiệt hại về môi trường nước.
Để góp phần bảo vệ, cải thiện, phục hồi các nguồn nước mặt của Việt Nam, CECR tập trung vào hoạt động:
(1) Thúc đẩy và điều phối các mạng lưới đối tác đa ngành để chung tay hành động bảo tồn nguồn nước hiệu quả.
(2) Thúc đẩy các mô hình chung tay bảo tồn nguồn nước tại gia đình, trường học, doanh nghiệp và cộng đồng và các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn nguồn nước.
(3) Cải thiện các chính sách liên tới bảo tồn nguồn nước thông qua:
+ Thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành về bảo tồn nguồn nước làm cơ sở khoa học cho các hoạt động vận động chính sách, bao gồm: các nghiên cứu ứng dụng phương pháp khoa học về sự tham gia của cộng đồng vào xây dựng kế hoạch chiến lược bảo vệ nguồn nước mặt; các nghiên cứu, rà soát và phân tích các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến an ninh nước, tái sử dụng nước, kiểm soát nguồn xả thải gây ô nhiễm nước mặt; các nghiên cứu các bài học từ nước ngoài; các nghiên cứu các trường hợp ô nhiễm nước điển hình…
+ Từ những bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu, vận động chiính sách được CECR thực hiện thông qua hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà lập pháp bằng các kênh truyên thông như tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên môn, xây dựng các phóng sự, bài báo chuyên môn đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Các dự án/chương trình điển hình của chúng tôi trong lĩnh vực:
Chung tay Bảo vệ nguồn nước Việt Nam (2020 – 2023): Dự án được thực hiện dưới sự hỗ trợ của USAID, với mục đích kết nối các tổ chức, cộng đồng, các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức của xã hội về bảo tồn nguồn nước và phát triển kế hoạch cải thiện chất lượng nguồn nước. Thông qua Dự án này, Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) được thành lập và hỗ trợ nâng cao năng lực để cùng nhau thực hiện và thúc đẩy các hoạt động/sáng kiến bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước và sử dụng nước thông minh dựa vào cộng đồng tại Đà Nẵng và hỗ trợ hoàn thiện và thực thi chính sách về bảo tồn nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả của Việt Nam thông qua các hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan lập pháp khác như Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội.
Chương trình Liên minh Vận động Chính sách Kiểm soát và Ngăn ngừa Ô nhiễm nước – Liên minh nước sạch (2014 – 2021): Được CECR thành lập và khởi xướng từ năm 2014, thông qua sự hỗ trợ của Oxfam (DFIT/DFAT). Liên minh Nước sạch ra đời với mục tiêu tập hợp các tổ chức phi chính phủ, cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, tổ chức truyền thông, cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà luật gia và môi trường cùng nhau làm việc nhằm giám sát việc xây dựng và thực hiện các chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam, từ đó góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác, đảm bảo cho sự tiếp cận nước an toàn cho các hoạt động kinh tế và dân sinh. Tới nay, Liên minh đã có 30 thành viên chủ chốt tại Sơn La, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương, Thái Bình, Cần Thơ. Đã hình thành mạng lưới cộng đồng tham gia bảo vệ và giám sát tài nguyên nước tại các nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sống xung quanh đó. Thông qua chương trình này, các khái niệm, nguyên tắc, phân tích chính sách, các bài học thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm nước đã được hệ thống hóa, xây dựng và đề xuất rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chia sẻ tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thông qua ấn phẩm “Báo cáo nghiên cứu: Ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam”.