Đúng vào thời kỳ phát triển kỳ diệu của mình (những năm cuối thập kỷ 60- đầu 70), Nhật Bản phải đối diện với nỗi kinh hoàng mang tên thảm họa Minamata, thảm họa nhiễm độc methyl thủy ngân trên diện rộng do ăn phải thủy hải sản bị nhiễm thủy ngân từ vịnh Minamata. Lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện tại Minamata thuộc tỉnh Kumamoto vào năm 1956 (trở thành căn bệnh đầu tiên của loài người do phơi nhiễm với thực vật, động vật bị nhiễm độc từ trong môi trường), và năm 1968, chính phủ Nhật bản đã chính thức tuyên bố, căn bệnh này do công ty Chisso gây ra vì đã xả thải nước thải chứa thủy ngân vào vịnh Minamata làm vinh bị ô nhiễm. Theo các nhà khoa học Nhật Bản, bệnh Minamata rất khủng khiếp, có thể so sánh với thảm họa hạt nhân ở Hiroshima hay Nagasaki.
(Nguồn ảnh: Sưu tập)
Trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1932-1958, Công ty Chisso đã xả thải ra vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto một lượng nước thải vô cùng lớn. Cho đến khi công ty này bị ngừng sản xuất vào năm 1968, lượng xả thải ra vịnh Minamata đã biến vịnh này thay đổi hoàn toàn giống như một vịnh chết. Theo nghiên cứu gần đây, lượng thủy ngân chưa được xử lý trong giai đoạn mà Chisso thải ra vịnh Minamata lúc bấy giờ theo từng giai đoạn là 0,6-6 tấn. Và mức độ nguy hiểm vẫn được nghiên cứu cho đến nay.
Bệnh Minamata để lại nhiều hậu quả kinh hoàng tùy theo mức độ nhiễm độc. Những người bệnh nặng thường rú lên vì đau đớn, thường xuyên co giật và bị liệt. Một số bệnh nhân bị mù, điếc hoặc mất trí và nhiều người bị nhẹ hơn thì tay chân run, mất cảm giác, mất thăng bằng. Phụ nữ nhiễm metyl thủy ngân khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con liệt não, bị điếc, bị mù hoặc đầu quá nhỏ, lớn lên thì tâm trí phát triển chậm.
Đã có bao nhiêu bệnh nhân bị bệnh này?
(Nguồn ảnh: Sưu tập)
Theo Chính phủ Nhật thì có tổng cộng 12.890 người đã mắc bệnh cho đến nay. Tuy nhiên đây chỉ là con số thông kê dựa trên những lá đơn đã được chính phủ công nhận một cách chính thức, thực tế con số sẽ phải cao hơn nhiều bởi có một số đã chết trước khi căn bệnh này được chính thức khám phá, và nhiều người chưa kịp nộp đơn xin chứng nhận thì đã chết, nhiều người thì không nộp đơn vì nhiều lý do.
Gánh nặng do thảm họa Minamata gây ra là gì?
Thiệt hại kinh tế: Tổng số tiền bồi thường cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Minamata và tiền để làm sạch vịnh Minamata lên đến 308,5 tỷ yên (tương đương gần 2,829 tỷ đô la mỹ). Trong đó 260 tỷ yên là số tiền mà Chisso phải bồi thường cho các nạn nhân bị bệnh, 48,5 tỉ yên là số chi phí mà tỉnh Kumamoto đã phải bỏ ra để nạo vét làm sạch lòng vịnh Minamata.
Gánh nặng xã hội: như phân tích ở trên tổng số người bị ảnh hưởng bởi bệnh Minamata phải nhiều hơn con số 12.890 người, hầu hết những người bị ảnh hưởng bởi bệnh này đều không có khả năng nhận thức và gặp khó khăn trong đi lại, phải sống dựa hoàn toàn vào bố mẹ. Chưa có giải pháp nào chữa hoàn toàn được căn bệnh Minamata .
Phần lớn các bệnh nhân hàng ngày phải đến bệnh viện để chữa trị và phục hồi. Hiện nay khi các bệnh nhân trở nên già hơn, số người phải nằm tại viên hoặc cần sự trợ giúp tại gia đình cũng tăng lên. Trong xã hội đang già đi của Nhật Bản, thì gánh nặng từ những bệnh nhân này là rất đáng kể.
Nguồn: Bộ học liệu Bảo tồn nguồn nước: Áp dụng cho khối trung học cơ sở