Mô tả mô hình
Tại Nam phú đã có được hệ thống cung cấp nước sạch ở địa phương, tuy nhiên thách thức lớn nhất là việc dò rỉ nước từ đường ống do mất mát các linh kiện, các đường ống bị phá hoại và sử dụng chưa đúng cách hoặc thiếu hiệu quả, hoặc sự cẩu thả của các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân hoặc trẻ em. Ngoài ra, các khó khăn trong duy tu và bảo dưỡng cũng giảm hiệu quả sử dụng của hệ thống cung cấp nước sạch. Đặc biệt, với một số hộ gia đình và nhà văn hoá thôn việc tiếp cận hệ thống nước sạch này còn khó khăn do thiếu các thiết bị cấp nước như đường ống, đồng hồ đo nước. Việc bảo vệ hệ thống cấp nước rất cần thiết có sự tham gia của từng gia đình, từng người trong cộng đồng. Nhóm thanh niên tại Nam phú, với sự đồng ý của lãnh đạo địa phương đã đề xuất sáng kiến “Nâng cao hiệu quả của hệ thống cấp nước sinh hoạt và khả năng tiếp cận nguồn nước sạch tại Nam Phú, Tiền Hải với sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng”, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về sự cần thiết chung tay bảo vệ hệ thống cung cấp nước, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước và hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sạch cho các gia đình khó khăn nhất. Đây cũng là sáng kiến xanh giúp cộng đồng tiếp cận nguồn nước sạch hiệu quả, bền vững, nâng cao sức chống chịu của địa phương với BĐKH. Sự thành công của sáng kiến sẽ giúp địa phương phát huy sự tham gia của cộng đồng trong sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác trong tương lai.
Quá trình thực hiện sáng kiến/mô hình như sau:
- Họp thảo luận và thống nhất với chính quyền địa phương về phương pháp và kế hoạch thực hiện sáng kiến với sự làm chủ của thanh niên địa phươngLựa chọn 04 thôn (Hợp Phố, Thúy Lạc, Bình Thành, và Trung Thành) tham gia thực hiện sáng kiến, các hộ gia đình có cùng chung một hệ thống cung cấp nước và xác định các gia đình cần sự giúp đỡ.
- Hỗ trợ hệ thống dẫn nước từ đường ống chính và đồng hồ đo nước cho hộ gia đình được xác định nghèo cần giúp đỡ, và sẽ cùng địa phương tiến hành thực hiện công tác rà soát, lắp đặt và giám sát.
Kết quả về kinh tế:
Mô hình mang lại ý thức tham gia của người dân trong việc bảo vệ các công trình hạ taangfg cơ sở về cung cấp nguồn nước, đàm bảo hiệu quả đầu tư của nhà nước. Với mô hình này, nguồn nước sạch sẽ nâng cao, đảm bảo sức khỏe cho người dân và cộng đồng, đặc biệt vào thời điểm thời tiết nắng nóng khô hạn, người dân và không còn mất thời gian đi tìm các nguồn nước thay thế cho nguồn nước giếng khoan bị cạn kiệt. Người dân có nhiều thời gian tập trung vào phát triển kinh tế gia đình.
Kết quả về mặt xã hội:
10 hộ gia đình khó khăn của của 4 thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng trong sinh hoạt.
Các cụm dân cư hiểu được quá trình bảo quản hệ thống đường cấp nước chung. Tăng cường tình làng nghĩa xóm khi các hộ dân bỏ phiếu cho các hộ gia đình khó khăn có thể tiếp cận được nguồn nước sạch. Chính quyền đưa công tác bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ các hệ thống cung cấp nước quy củ và hiệu quả hơn.
Kết quả về mặt môi trường:
Tiếp cận được nguồn nước sạch là một trong các tiêu chí quan trọng về môi trường trong Chương trình Nông thôn mới. Mô hình đã đóng góp nâng cao chất lượng tiếp cận nguồn nước, bảo vệ được nguồn nước ngầm của địa phương.
Sáng kiến được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong ứng phó Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do CECR thúc đẩy.