Ra mắt cuốn sách đầu tiên về hồ Hà Nội

Tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng vừa giới thiệu đến cộng đồng cuốn sách “Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường Hồ Hà Nội – Báo cáo thông tin nền Hồ sáu Quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ”.

sach-ho-ha-noi

Cuốn sách là tập hợp các thông tin nền mang tính khoa học và thời sự cập nhất nhất của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của sáu Quận trung tâm Hà Nội, kết quả phân tích về tình trạng môi trường các khu vực thủy vực này năm 2010. Với mục tiêu cung cấp thông tin nền về các hồ ở Hà Nội, cuốn sách trở thành công cụ cho cộng đồng đặc biệt là các cộng đồng sống xung quanh khu vực hồ tham gia bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm, bảo vệ hành lang bờ ven hồ và ngăn các nguồn xả thải vào hồ để nước hồ trong sạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho thành phố Hà Nội.
Đây là kết quả của Dự án “Bảo tồn Di sản – Bảo vệ Tương lai : Tiến tới sự bảo vệ bền vững hệ thống hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng”được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đề xuất và tổ chức thực hiện cùng với Trường Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Xây dựng. Dự án được sự tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam. Dự án được triển khai từ tháng 2/2010 đến tháng 10/2010.
Theo báo cáo trong số 80 ao, hồ đã được đo, số ao, hồ có diện tích từ 1000m2 trở lên chiếm 76%, trong đó số ao hồ nhỏ có diện tích dưới 500m2chiếm 17.5%, số ao hồ có diện tích từ 500 đến 1000m2 chiếm rất ít, chỉ có 6%. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng ô nhiễm chất lượng nước của hồ, hiện trạng bờ và hành lang bờ của 120 hồ, ao đầm thì phần lớn các hồ có giá trị pH và nhiệt độ trong giới hạn cho phép, tuy nhiên phần lớn các hồ có giá trị các chỉ tiêu còn lại không đạt yêu cầu, chỉ có 6 hồ mà tất cả các chỉ tiêu phân tích đạt yêu cầu chất lượng với mức độ phát triển tảo thấp; Phần lớn các hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, có tới 71% hồ có giá trị BOD5(1) vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l); trong đó 14% hồ bị nhiễm hữu cơ nặng (>100mg/l); 25% hồ bị ô nhiễm nặng (BOD5 từ 50-100mg/l) và 32% có dấu hiệu ô nhiễm. 70% số lượng hồ có nông độ oxy hòa tan (DO)(2) dưới mức tiêu chuẩn cho phép (<4mg/l); 6 hồ có nồng độ DO dưới 1mg/l, nghĩa là hầu như không có sự sống của vi sinh vật. Hiện nay ở Hà Nội, 26% số hồ ao chưa được kè, số hồ ao được kè một phần chiếm 8%, còn lại là được kè toàn bộ. Trái ngược với các hồ ao được kè, các hồ ao chưa được kè hoặc được kè một phần có bờ và hành lang bị phá hoại nghiêm trọng. Hiện trạng hành lang bờ của các hồ, ao chưa được kè cũng trong trạng thái báo động, hơn 80% hàng lang bờ bị ô nhiễm trong đó 62% rất bẩn, 20% bẩn và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thanh bãi tập kết phế liệu,rác thải sinh hoạt.
Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ. Các ô nhiễm này làm tăng nồng độ các chất hữu cơ, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, dẫn đến thiếu hụt oxi, tăng lượng trầm tích trong hồ, khiến cho nước của nhiều ao hồ đục bẩn, có nhiều hồ, ao nước biến thành màu đen, hệ thống sinh thái bị đe dọa và rối loạn nghiêm trọng. Hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao hồ… làm giảm đáng kể diện tích ao hồ, nhiều hồ đang dần biến mất. Các hồ chưa kè đều đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm, việc kè hồ giúp chấm dứt việc lấn chiếm. Tuy nhiên, nhiều hồ đã kè nhưng cũng rất ô nhiễm, nước đục đen, làm mất đi nền tảng sinh thái và thảm động, thực vật tự nhiên ven bờ rất quan trọng đối với hồ.
Báo cáo thông tin về các nền hồ của sáu quận lõi của Hà Nội nằm trong dự án “Bảo tồn di sản – Bảo vệ tương lai: Tiến tới bảo vệ bền vững hệ thống hồ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng” của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng,và dự án này cũng thể hiện tình yêu Hà Nội của những cán bộ của Trung tâm. Đồng thời cũng khẳng định rõ hơn sứ mệnh của Trung tâm là huy động sự tham gia của cộng đồng dân sự, doanh nghiệp, truyền thông, các cộng đồng các nhà khoa học vào thực hiện công tác và hoạt động cụ thể để giải quyết các vấn đề môi trường ở mọi cấp bậc ở địa phương, qua đó từng bước tạo sự thay đổi về suy nghĩ, hành vi, và ứng xử của cộng đồng và người dân trong công tác bảo vệ môi trường một cách tích cực hơn, trách nhiệm hơn, và hiệu quả hơn.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments