Vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ Hồ Hà Nội

Hoạt động của cộng đồng trong công tác bảo vệ hồ Hà Nội
Ô nhiễm môi trường ở các hồ Hà Nội là một vấn đề không mới và không dễ giải quyết. Vấn đề này nằm trong tình trạng chung về ô nhiễm môi trường nước mặt ở nước ta. Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2012, nhiều sông, hồ, kênh, rạch đang dần biến thành nơi chứa các chất thải đô thị, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý… Đặc biệt, chất lượng nước các hồ trong khu vực nội thành, nội thị tại một số TP lớn đã bị ô nhiễm chất hữu cơ. Các hồ nội thành Hà Nội với hầu hết các thông số đều vượt qua quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT loại B2. Nước trong nhiều ao, hồ ô nhiễm nặng và cạn kiệt vào mùa khô, gây tác hại đến môi trường, cảnh quan đô thị và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực đầu tư và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường các hồ, cả về chất lượng nước cũng như cảnh quan. Trong các nỗ lực đó, sự tham gia của cộng đồng, với nòng cốt tiên phong là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cùng Hội phụ nữ các phường và Câu lạc bộ (CLB) hồ Hà Nội với những sáng kiến từ thực tế đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ hồ.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Trái đất do CECR phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tổ chức thu hút đông đảo cộng đồng tham gia

 Trong 3 năm qua, nổi bật là các hoạt động của Hội phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ trong công tác bảo vệ hồ Đền Lừ, Hội Phụ nữ phường Quảng An trong công tác bảo vệ ao chùa Phổ Linh, ao Chéo, Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh trong công tác bảo vệ hồ Ngọc Khánh, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ hồ Hà Nội.
Trong khuôn khổ các hoạt động của CLB hồ Hà Nội, được CECR cùng Viện Nghiên cứu Đô thị, Diễn đàn Đô thị Việt Nam khởi xướng và bảo trợ, bản tin online về hồ Hà Nội (2 tháng một lần) đã được chia sẻ đến mọi thành viên. Phương tiện kết nối này đã gắn bó và giữ lửa cho các thành viên. CLB cũng tổ chức các tháng nhặt rác ở hồ Bảy mẫu, thu hút nhiều người tham gia. Tới năm 2014, CLB đã có được sự tham gia của một số doanh nghiệp, CLB sinh viên các trường đại học, sự bảo trợ của Tổng cục Môi trường và Chi cục BVMT Hà Nội. CLB cũng là hạt nhân tổ chức Ngày Trái đất “Chung tay gìn giữ hồ Hà Nội” với sự tham gia của các tổ chức, sinh viên các trường Đại học, ngôi sao âm nhạc, cơ quan truyền thông…
Bên cạnh đó, CECR đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cộng đồng ở các hồ, cùng Hội phụ nữ xây dựng kế hoạch dài hạn triển khai thực hiện các hoạt động trên. Những bên tham gia đều hy vọng, các sự kiện và hoạt động bảo vệ hồ Hà Nội sẽ đóng góp vào việc xây dựng cách ứng xử mới với môi trường, thúc đẩy khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và tạo một văn hóa mới cho Việt Nam (văn hóa môi trường).
Những khó khăn, bất cập
Những bất cập về chức năng của hồ Hà Nội hiện nay: Các hồ ở Hà Nội có chức năng chính là điều hòa nước mưa, thoát nước, chức năng môi trường, tạo những lá phổi nhỏ cho đô thị và chức năng cảnh quan phục vụ giải trí cho cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn hồ ở Hà Nội có chức năng thoát nước, tức là cống thải trực tiếp ra hồ. Nhiều hồ có chức năng khai thác kinh tế nên hiện nay có hồ vẫn tiếp tục được nuôi cá hoặc trồng rau. Các chức năng này mang tính lịch sử, ra đời từ khi Hà Nội vẫn còn là một Thủ đô nhỏ. Với việc Hà Nội đang trở thành một Thủ đô hiện đại, việc nuôi cá và trồng rau, đặc biệt chức năng thoát nước của các hộ trở nên lạc hậu và là các nguyên nhân làm cho hồ bị suy thoái. Chức năng môi trường như điều hòa không khí, điều hòa nước mưa và cảnh quan đã không đảm bảo hiệu quả.
Những bất cập về quản lý chất lượng nước hồ và hành lang ven hồ: Công tác quản lý hồ đã được phân cấp quản lý xuống UBND các quận, huyện có hồ. Tuy nhiên, Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND không phân định rõ chức năng quản lý bao gồm những lĩnh vực nào. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện quản lý và việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Đến nay, chỉ có công tác quản lý hồ Tây khắc phục được khó khăn này do UBND TP có quyết định riêng về quản lý hồ Tây.
Hiện nay, mỗi hồ thường có 3 đơn vị quản lý chính: Công ty cấp thoát nước quản lý nước hồ và lòng hồ, Công ty công viên cây xanh quản lý cây xanh ở hành lang bờ, Công ty môi trường đô thị chịu trách nhiệm về vệ sinh xung quanh bờ. Các công ty này làm việc qua hợp đồng giao nhiệm vụ của Sở Xây dựng, quận hoặc phường trực thuộc tùy theo phân cấp của mỗi hồ. Công tác quản lý của mỗi đơn vị được thực hiện biệt lập, bị động, phụ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng xung quanh.

Các bạn trẻ vớt rác tại hồ Thiền Quang

Nhiều quyết định của TP ban hành nhưng việc thực thi chưa hiệu quả: Sự bất cập trong chức năng, mục tiêu của các ao, hồ với cách quản lý hành chính từ trên xuống dẫn đến bất cập trong thực thi chính sách mà những người phải đối mặt với các bất cập là các cán bộ trực tiếp thực hiện văn bản. Có thể lấy một ví dụ: Mục 3, Điều 7, Quyết định số 2249/QĐ-UBND nêu rõ “Nghiêm cấm các đơn vị nuôi cá kinh doanh trên các hồ điều hòa trong khu vực các quận nội thành” xong việc nuôi cá vẫn được duy trì ở các hồ lớn như hồ Xã Đàn, Thanh Nhàn, Đền Lừ… Việc nuôi cá gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xử lý và duy trì chất lượng nước của Công ty Thoát nước. Trong khi việc cho phép đơn vị nuôi cá, sử dụng hồ thuộc về UBND trực thuộc hồ đó.
Một số khuyến nghị thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ hồ Hà Nội
Về mặt chính sách, Hà Nội cần thay đổi chức năng của hồ Hà Nội (loại bỏ chức năng về thoát nước và chức năng nuôi trồng thủy sản); Cần phải có chế tài cụ thể đối với những bên vi phạm các quy định của TP về bảo vệ hồ; Xây dựng một nguồn quỹ hỗ trợ cộng đồng để có thể phát huy các sáng kiến. Ngoài ra, Quỹ BVMT Hà Nội nên có nguồn quỹ để Hội Phụ nữ phường, các tổ chức khoa học kỹ thuật có thể tiếp cận. Cần có kế hoạch chiến lược sử dụng nguồn quỹ này nhằm đạt được các kết quả cụ thể và giải quyết vấn đề, khuyến khích sáng tạo, sự tham gia của cộng đồng.

Theo Đào Thu Thủy-Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments