Bản thân tôi là một đoàn viên, giáo viên tiểu học ở một xã ven biển cảm thấy mình rất may mắn được tham gia chương trình đào tạo Thanh niên thích ứng với Biến đổi khí hậu. Tôi nhận thấy đây là một chương trình rất hữu ích và tôi đã học được nhiều điều, biết được mình nên làm gì để thích ứng với Biến đổi khí hậu. Có thể nói chương trình đã mang đến cho tôi nhiều thay đổi đáng kể.
Sau đây là những việc tôi đã làm để góp phần nhỏ bé của mình trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Biến đổi khí hậu gây ra:
Sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện, chọn mua những thiết bị tiết kiệm năng lượng, mua sản phẩm của địa phương.
Gia đình tôi hầu như toàn sử dụng bóng đèn huỳnh quang Compact dạng xoắn hiệu quả tiết kiệm hơn 75% so với bóng điện thắp sáng thông thường. Tôi cùng người thân luôn nhắc nhở nhau rút hẳn phích điện và tắt đèn, ti vi, bình nóng lạnh khi không dùng đến.
Ở nhà là thế còn đến trường và trên lớp học tôi cũng luôn nhắc nhở học sinh cần tiết kiệm năng lượng điện: Hầu lớp học của tôi sử dụng ánh sáng tự nhiên ( chỉ khi vào mùa đông hôm nào tối trời và thời tiết lạnh thì bật điện). Giờ ra chơi hay hoạt đồng ngoài lớp thì các em đều có ý thức tắt điện, tắt quạt trước khi ra khỏi lớp.
Việc vận chuyển sản phẩm nhập khẩu sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu gây phát thải nhiều khí nhà kính nên tôi thường chọn mua những sản phẩm sản xuất trong nước để sử dụng.
Tất cả những hành động trên khi làm nhiều lần dần sẽ trở thành thói quen rất tốt cho chúng ta và cho các em học sinh bây giờ và sau này.
Thay đổi khẩu phần ăn hằng ngày: Ăn nhiều rau xanh, giảm lượng thịt từ gia cầm, gia súc.
Để góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình tôi trồng thêm nhiều rau xanh và ao nuôi cá. Trong các tiết Khoa học của học sinh tôi cũng không quên nhắc nhở để chính các em cũng trở thành những tuyên truyền viên tới các gia đình góp phần nhỏ bé trong công cuộc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Biến đổi khí hậu gây ra.
Giảm lượng rác thải nhà bếp, sinh hoạt.
Là một phụ nữ cũng chính là đầu bếp chính trong gia đình, việc ăn uống của gia đình là một vấn đề rất quan trọng. Nếu không biết sắp xếp thì căn bếp nhà bạn cũng có thể trở thành một ác mộng về rác thải. Làm sao để bữa ăn cho gia đình đầy đủ chất dinh dưỡng và ngon miệng là điều mà tôi mong muốn nhất, nhưng cũng phải quan tâm đến việc chống lãng phí, an toàn thực phẩm và giảm tối đa rác thải từ nhà bếp thì chúng ta cũng đã góp phần bảo vệ môi trường rồi đó.
Ngoài ra , tôi còn tái chế sử dụng một số đồ đã qua sử dụng như các vỏ chai nhựa dầu rửa bát, nước giặt quần áo tôi cắt ra trang trí thêm để làm thành những chậu nhỏ trồng hoa hay trồng các loại rau thơm. Nhìn chúng cũng rất ngộ nghĩnh và đẹp, cảm thấy yêu cuộc sống hơn khi ngắm nhìn các chậu hoa đó nở rộ. Các bạn cứ thử làm như tôi để cảm nhận cảm xúc đó nhé!
Giảm lượng giấy sử dụng.
Tôi là một giáo viên hằng ngày phải soạn giáo án và tôi có thói quen sử dụng cả hai mặt giấy. Trên lớp tôi luôn nhắc học sinh cách trình bày bài làm khoa học, sạch sẽ, rõ ràng và phải biết tiết kiệm giấy. Vở viết hết năm trước có thể tận dụng làm vở nháp.
Hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm.
Tôi sống ở làng quê nên học được một số phong cách của các bà các mẹ thời xưa đó là xách theo một chiếc giành khi đi chợ ( Các mẹ, các bà khi nhà làm cỗ thì mang luôn một chiếc bao để đựng đồ). Việc làm này đơn giản nhưng lại là một hành động tốt nhằm giảm phần nào lượng túi ni lông – được sản xuất bởi những nguyên liệu độc hại và là loại rác thải cực kì khó phân hủy.
Thực hiện xanh hóa nghề nghiệp.
Ngôi trường tôi đang giảng dạy và làm việc là ngôi trường đã được công nhận là trường xanh- sạch- đẹp cách đây nhiều năm rồi ( Trường Tiểu học Giao Xuân). Quang cảnh nhà trường rất khang trang, sạch đẹp, rất nhiều cây xanh và không có rác thải. Chúng tôi rèn cho học sinh thói quen, nề nếp trồng và chăm sóc bảo vệ cây xanh cũng như giữ gìn vệ sinh trường lớp rất tốt. Vì vậy đến với ngôi trường Tiểu học Giao Xuân của chúng tôi, mọi người đều rất ấn tượng . Chúng tôi tự hào về điều đó.
Năm học 2017- 2018 này, nhà trường còn đẩy mạnh phong trào thi đua “ Đồ dùng dạy học tự làm’’. Lớp tôi cũng tham gia và đạt kết quả cao. Tôi kết hợp với phụ huynh và học sinh tận dụng những đồ phế thải để tái sử dụng làm thành các đồ dùng dạy học rất dễ làm và dễ sử dụng. Ví dụ, một số nhà phụ huynh có những tấm nhựa ốp tường còn thừa ra cho học sinh mang đến để làm những thẻ trống để các em sử dụng. Rồi rất nhiều các phế liệu khác như: vỏ sữa chua, vỏ chai cô ca, băng đĩa, lon bia, bìa cát tông, vỏ hộp bánh, lõi giấy vệ sinh, nắp chai….Rất nhiều đồ được chúng tôi tái chế lại thành đồ dùng học tập thu hút các em trong lĩnh hội kiến thức.
Tuyên truyền cùng Đoàn thanh niên của xã, của chi đoàn nhà trường và các em học sinh tham gia tham quan và trồng rừng ngập mặn- bảo vệ rừng và biển.
Chúng ta cũng biết cây xanh hấp thụ khí CO2 rất tốt. Chi đoàn trường tôi luôn tham gia cùng Đoàn thanh niên xã trong các buổi lao động vệ sinh thôn xóm, nơi công trình công cộng, thu gom rác ngoài đê biển…Trong hai năm 2016 và 2017 chi đoàn nhà trường đã trồng được hàng trăm cây xanh để tạo cảnh quan cho nhà trường đồng thời cũng góp phần tạo nên bầu không khí trong lành hơn.
Tóm lại, biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra tại một nơi, một địa điểm hay một quốc gia nào trong một khoảng thời gian nhất định mà nó xảy ra trên toàn cầu và bất kì lúc nào nó sẽ gây nhiều thiệt hại khó lường cho đời sống. Chính con người chúng ta tạo ra và con người cũng là nhân tố giảm nhẹ lại những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy mọi người hãy tiếp cận, hiểu biết và cùng chung tay thay đổi thói quen để cuộc sống của chúng ta sẽ được an toàn hơn.
Họ và tên: Trần Thị Là
Địa chỉ: Trường Tiểu học Giao Xuân. Xã Giao Xuân- Giao Thủy- Nam Định