Ngày 27/08/2019, tại Khu du lịch Sinh thái Cồn Vành – Thái Bình đã diễn ra lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tổ chức trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuât Việt Nam (VUSTA) và các bên liên quan về giám sát rác thải nhựa vùng ven biển đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững về SDG6 và SDG14 bảo vệ nguồn nước và đại dương. Chương trình được tổ chức bởi VUSTA, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ Thuật tỉnh Thái Bình (PUSTA), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Cộng đồng (CECR) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), trong khuôn khổ thực hiện thí điểm sáng kiến thành lập Liên minh về Môi trường và Biến đổi Khí hậu của VUSTA (VECCA) với sự hỗ trợ của cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Ô nhiễm rác thải nhựa tại các vùng ven biển đang là trở ngại mang tính rộng khắp và toàn diện đối với Việt Nam. Theo ghi nhận của Bộ TNMT, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa ra biển với ước tính mỗi năm đóng góp khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ngoài đại dương. Tuy nhiên, số liệu chi tiết về nguồn, tỷ lệ % giữa rác và rác thải nhựa, thành phần, số lượng và dòng chảy của rác thải nhựa tại các vùng ven biển còn rất hạn chế, chưa thống kê một cách đầy đủ ở cấp quốc gia. Giám sát và quản lý rác thải nhựa tại các vùng ven biển hiệu quả đòi hỏi sự chung tay của toàn dân, toàn xã hội. Bà Dương Thị Nga, Phó Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ về sáng kiến Liên minh Môi trường và Biến đổi khí hậu của VUSTA tại lớp tập huấn.
Khu sinh thái Cồn Vành là địa điểm du lịch biển nổi tiếng tại Thái Bình, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển phong phú với các loài thực vật đặc trưng như sú, vẹt, bần, thông… Là nơi cư trú của nhiều loài chim như cò thìa, bồ nông, mòng biển… và trên 200 loài hải sản, khoảng 170 loài tảo có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức đối với bờ biển này. Trong hơn 6 tháng qua đã có hơn 70 bài báo đưa tin về các sự kiện về ô nhiễm rác thải tại Khu sinh thái và bãi biển Cồn Vành.
Chương trình tập huấn được triển khai cho hơn 30 cán bộ đến từ Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, Ban Quản lý khu du lịch Cồn Vành, Ban quản lý Cảng cá Nam Thịnh, Hội Nông dân xã Nam Phú, Hội hội dân xã Nam Thịnh, Chi cục biển đảo – Sở TNMT, hội Nghề Cá PUSTA Thái Bình và một số đơn vị khoa học và công nghệ trực thuộc VUSTA.
Lớp tập huấn được triển khai nhằm cung cấp thông tin và công cụ, các mô hình thực tiễn và xây dựng kế hoạch triển khai về giám sát rác thải nhựa với sự tham gia của người dân và cộng đồng. Các bộ số liệu sau khi thu thập được từ mô hình giám sát sẽ là nguồn tại liệu quý giá cho việc nghiên cứu sâu hơn về các biện pháp xử lý rác thải nhựa biển. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp; làm cơ sở báo cáo, đề xuất các cấp chính quyền địa phương, các bên liên quan trong việc ban hành cơ chế, chính sách quản lý, thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa; tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn có ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa.
Phát biểu tại lớp tập huấn, đồng chí Bùi Quang Hộ, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thái Bình đã nhấn mạnh công tác quản lý giám sát rác thải đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người, đặc biệt vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong giám sát rác thải nhựa hiện nay. Mặc dù Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích tuy nhiên vấn đề rác thải vẫn là một vấn đề nổi cộm.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông hưởng ứng “Vì một bãi biển không rác thải” cũng đã được triển khai tại khu sinh thái Cồn Vành cũng được triển khai. Hoạt động thực hành thu gom rác thải và dọn sạch bãi biển đã được các học viên của lớp tập huấn tham gia nhiệt tình và đầy trách nhiệm.
Sau lớp tập huấn, các nhóm sẽ về triển khai thí điểm mô hình giám sát rác thải nhựa tại Cảng Cá Cửa Lân và Khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Các nhóm cũng cam kết sẽ chia sẻ với cộng đồng dân cư sống quanh khu vực. Liên hiệp hội Việt Nam dự kiến sẽ nhân rộng mô hình tại nhiều tỉnh thành khác nhau và huy động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức thành viên tại địa phương, và các tổ chức trực thuộc.