Bản Tin Số 2 – Hưởng ứng chiến dịch Hãy làm cho thế giới sạch hơn – Clean Up the World 2011

Website Hồ Hà Nội lọt vào chung kết giải thưởng Bùi Xuân Phái “ Vì Tình Yêu Hà Nội”ban-tin-ho-ha-noi-so-2
Như đã giới thiệu với các quý độc giả trong Bản tin Hồ Hà Nội số 1 về Website http://www.cecr.vn. Ngày hôm nay chúng tôi lại vui mừng được chia sẻ về những thông tin mới nhất của Website Hồ Hà Nội.
Tháng 8 năm 2011, Website Hồ Hà Nội đã vinh dự được lọt vào vòng chung kết “Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội”. Đây là giải thưởng thường niên của Báo Thể thao Văn hóa và của gia đình cố Họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập để trao cho các hoạt động có giá trị, gắn bó với các mặt đời sống văn hóa vì tình yêu với Hà Nội.
Dù công trình không được trao tặng giải thưởng nhưng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng xúc động chia sẻ: “Khi nhận được thư mời thông báo được lọt vào vòng chung kết, chúng tôi vô cùng tự hào, có lẽ đó là bức thư hay nhất mà xưa nay chúng tôi nhận được. Chúng tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi một người kỹ sư lại được đứng cùng các nhà văn hóa lớn nhất của Hà Nội”.
“Giờ này năm ngoái, nhóm nghiên cứu của chúng tôi còn đang miệt mài để tổng quan các nghiên cứu, các báo cáo nhằm biên tập kịp thời đưa sang nhà in Tạp chí Cộng sản quyển sách đầu tiên về thông tin nền của 120 ao, hồ, đầm của 6 quận nội thành” .
“Quả thực, năm ngoái bằng giờ này, nhóm chúng tôi gồm 7 người, vừa biên tập, vừa dàn trang 4 ngày đêm liên tục. Khi đặt dấu chấm vào các file để gửi đi là 4h sáng, lúc đó tất cả chúng tôi đều ra bờ hồ Hà Nội, nước mắt tự nhiên trào ra, mình đã làm được một việc cho Hà Nội rồi. Năm nay chúng tôi làm thêm việc nữa là đưa toàn bộ cuốn sách này lên website của hồ Hà Nội, mới được khởi động tháng 6 vừa qua. Có lẽ là do dư luận ủng hộ nên chúng tôi có được đề cử vào chung kết của giải năm nay. Đối với chúng tôi, việc được vào chung kết đã là một niềm vinh hạnh vô cùng to lớn. Tôi hy vọng giải này sẽ vĩnh viễn sáng trong như Bùi Xuân Phái, không có một áp lực nào cả mà chỉ dành cho tình yêu Hà Nội”.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-2
Việc lọt được vào vòng chung kết của Giải thưởng Bùi Xuân Phái là sự công nhận của cộng đồng đối với Website Hồ Hà Nội và đối với Trung tâm CECR. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp và ủng hộ của cộng đồng đối với các hoạt động của trung tâm.
Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường tại địa phương của mình nói chung và bảo vệ di sản và sinh thái Hồ Hà Nội nói riêng là một cách tiếp cận quan trọng và Website Hồ Hà Nội cũng như Báo cáo thông tin nền về hồ là nền tảng và công cụ quan trọng giúp cộng đồng thực hiện các sáng kiến và dự án môi trường tại địa phương.
Chú thích:
“Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả, Tác phẩm, Công trình, Hoạt động, Ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”
CECR tham gia hưởng ứng chiến dịch Hãy làm cho thế giới sạch hơn – Clean Up the World 2011
Hưởng ứng chiến dịch Hãy làm cho Thế giới sạch hơn, 8h00 sáng thứ bảy ngày 17 tháng 9 năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã có mặt tại công viên Thống Nhất tham gia sự kiện này. Chiến dịch được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Australia, Tổng cục Môi Trường và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đồng phối hợp tổ chức. Chủ đề của chiến dịch năm 2011 là “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta”. Công viên Thống Nhất được lựa chọn cho hoạt động này vì hồ Bảy Mẫu là một trong những “lá phổi xanh” quan trọng của Hà Nội.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-3
Ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu: “Hoạt động này nhấn mạnh vai trò quan trọng và trách nhiệm của mỗi tổ chức cá nhân đối với môi trường toàn cầu, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng góp phần bảo vệ môi trường”.
Ngài Allaster Cox – Đại sứ Australia tại Việt Nam, đánh giá về hoạt động này, ngài Đại sứ phát biểu: “Sự kiện hôm nay phản ánh bản chất của chiến dịch; đó là huy động và đoàn kết các cộng đồng để bảo vệ những không gian quan trọng… Hành động của các bạn cũng sẽ nhắc nhở mọi người rằng đây là nơi chúng ta sống, là hành tinh của chúng ta, vì vậy bảo vệ nó là trách nhiệm của chúng ta”.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-4
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Allaster Cox cũng khẳng định những khu Hồ đẹp của Hà Nội cần được bảo vệ cũng như việc tổ chức ngày lễ này tại công viên Lênin và Hồ Bảy Mẫu như một sự ủng hộ cho việc bảo vệ các hồ đẹp của Hà Nội. Đại sứ quán Australia đang làm việc với một số tổ chức phi chính phủ như Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường hồ.
Ngay sau lời kêu gọi tham gia vào chiến dịch là hoạt động thu gom rác thải trong khuôn viên công viên Thống Nhất. Hàng trăm tình nguyện viên được phân chia làm các đội dọn dẹp từng khu vực trong công viên. Hoạt động thu gom rác thải nhận được sự tham gia nhiệt tình của Ngài đại sứ Allaster Cox và cán bộ Đại sứ quán Australia tại Hà Nội.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-5
Đại sứ Australia tham gia dọn rác cùng các bạn sinh viên
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-6
Cùng tham gia hoạt động thu gom rác thải, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã dọn dẹp một phần khuôn viên công viên và đoạn đường dạo quanh hồ Bảy Mẫu. Kết thúc công việc, trung tâm đã thu gom được 2 túi rác lớn bao gồm rác thải vô cơ và rác thải hữu cơ. Các loại rác thải thu gom được phần lớn là các loại túi, vỏ kẹo cao su, kem, bim bim, giấy ăn, ống hút … được vứt trên thảm cỏ, rìa các đường đi, dưới chân các ghế đá hoặc dưới các gốc cây… Rác được vứt chủ yếu bởi những khách đến tham gia vui chơi giải trí tại công viên, khi ngồi nghỉ tại các ghế đá hoặc đi bộ trên các đường dạo thì thường vứt xuống rìa đường hoặc các vệ cỏ ven đường. Ngoài ra, các cửa hàng dịch vụ ăn uống giải khát trong công viên cũng là nơi tập trung nhiều rác thải, các chủ cửa hàng khi thu gom rác thường để tập trung tại các gốc cây hoặc vệ đường đến cuối ngày thì đem đi vứt gây mất mĩ quan cho công viên.
Sau đây là các bức ảnh phản ánh các hoạt động trong ngày.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-7

Gốc cây trước khi dọn dẹp

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-8

Bắt đầu dọn dẹp

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-9

Sau khi đã được dọn sạch

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-10

Rác quanh khu vực khán đài

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-11

Rác đầy trong gốc cây

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-12

Rác đầy trong chậu cây

cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-13

Sau khi đã được dọn dẹp

Ghi chú:
“Làm cho thế giới sạch hơn” là một chiến dịch do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu. Được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 130 quốc gia trên thế giới.

Khái niệm “sạch” và “thật sạch”
Sau khi tham gia dọn rác ở công viên Thống Nhất, hồ Bảy Mẫu ngày 17 tháng 9 năm 2011 hưởng ứng chiến dịch Hãy làm cho Thế giới sạch hơn, tôi suy nghĩ mãi về khái niệm “sạch” và “thật sạch”. Ngay buổi sáng hôm đó ở công viên, các nhân viên vệ sinh cũng đã quét dọn rồi. Họ tập trung vào quét rác trên đường, quét lá rụng, gom rác và chuyển đi, khá vất vả. Lúc đó trông công viên cũng … “được”. Có lẽ đó là tình trạng công viên “sạch”. Tức là chấp nhận đâu đấy giữa thảm cỏ xanh là một ống hút nước, hốc các gốc cây to đầy rác…
Sau đó nhóm chúng tôi gồm ba người bắt đầu nhặt rác trên đường và khuôn viên vườn khoảng 500m2 đang trong tình trạng “sạch”. Chỉ sau 1 giờ 30 phút nhặt rác, chúng tôi đã thu gom đầy hai bao rác lớn. Một bao là rác hữu cơ bao gồm thân cây khô, giấy, vỏ chuối, vỏ cam… Bao thứ hai là rác vô cơ bao gồm các ống hút uống nước, bao nilong, vỏ chai, vỏ nắp bia, giấy kẹo… Có một chậu cây rất đẹp nhưng ngay trong chậu lại có rất nhiều vỏ giấy kẹo giắt dưới đất. Có hốc cây to đầy vỏ kẹo, thạch và nút chai bia nhiều như vỏ sò. Sau khi nhặt sạch, kiên quyết không bỏ sót một mẩu giấy, khu vườn bỗng nhiên đẹp như một bức tranh, chả kém vườn cây ở Singapore.
Vườn cảnh của chúng ta trông lem nhem không phải vì có nhiều rác mà vì có một ít rác. Thảm cỏ là bức tranh đẹp, có giá trị về mặt cảnh quan và mĩ quan, chỉ cần một mẩu giấy, hoặc một ống hút, bức tranh đó không còn đẹp, mất giá trị cảm quan và mỹ quan, và sẽ trở thành lem nhem.
Hình như khái niệm

“sạch” = “một ít rác”

cần có sự thay đổi căn bản thành

thật sạch” = “không có một tý rác nào”.

Từ “ít rác” sang “không có một tý rác nào” hay từ “sạch” sang “thật sạch” có nên cần sự vận động chuyển đổi?
 

Xanh, Sạch, Đẹp

thành

Thật xanh, Thật sạch, Thật đẹp

 
Cần một chút nỗ lực của mỗi người, không vứt rác bậy, dù một mẩu giấy hay một nút chai.

Hồ ao đầm Hà Nội nhìn từ khía cạnh Hệ sinh thái
Môi trường sinh thái là nền tảng của sự sống của con người và xã hội. Bảo vệ môi trường hiệu quả đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về hệ sinh thái cũng như sự tham gia của mọi thành viên trong cộng đồng và xã hội. Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng tập trung vào hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường theo hướng tiếp cận hệ sinh thái một cách khoa học thông qua các chương trình nghiên cứu, các dự án thử nghiệm, các chương trình thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Trong bản tin Hồ Hà Nội số 2 này, chúng tôi xin được chia sẻ cùng các độc giả một số khái niệm hệ sinh thái, cách nhận biết sức khỏe ao hồ và các thách thức đối với hệ sinh thái ao hồ Hà Nội, phần này đã được trình bày trong Phần 1 cuốn sách Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo vệ Môi trường Hồ Hà Nội “Báo cáo thông tin nền Hồ Sáu quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ”
Vậy thế nào là một ao hồ khỏe mạnh? Một ao hoặc hồ khỏe mạnh thì Hệ sinh thái của ao hồ đó phải khỏe. Thông thường nước có màu vàng, màu xanh rêu hoặc màu ghi trong. Nước của hồ ao mặc dù trong hệ sinh thái tĩnh vẫn chịu sự tương tác với dòng nước khác từ đáy, từ bờ, từ nước mưa… lưu chuyển quanh nó và sự cân bằng sinh thái của các thực, động vật sống trong đó.
Tìm hiểu về hệ sinh thái ta thấy hồ, ao, đầm của Hà Nội thuộc hệ sinh thái nước tĩnh (Lentil Ecosystem), tức là nước không chảy. Giữa hồ và ao không có sự phân biệt thực sự rõ ràng, tuy nhiên theo Brown, A.L (1987) ao là nơi mà ánh sáng có  thể soi qua  tầng nước xuống tận đáy và hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được. Đầm là nơi nước ngập rất nông có các loại thực vật có thể sống được tạo thành hệ sinh thái đặc biệt.
Hệ sinh thái nước tĩnh có thể được minh họa như sau:
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-14
Hệ sinh thái hồ, ao có các động, thực vật đặc trưng riêng. Ví dụ trong các hồ ao ở Việt Nam gồm các loài thực vật đặc trưng như súng, sen, bèo cái, bèo tai chuột, cỏ v.v…. Còn các  loại động vật thì gồm các loại cá, tôm, tép, ếch, nhái, cua, ốc…. Đặc biệt hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội nổi tiếng với Rùa Hồ Gươm. Các đầm sen quanh Hồ Tây có loài hoa sen trăm cánh và có loài chim Sâm Cầm. Ngoài ra còn nhiều loại côn trùng khác là các thành phần không thể thiếu được của hệ sinh thái này. Các động thực vật này sống dựa vào nhau thích ứng trong môi trường nước tĩnh và tù tạo nên hệ sinh thái cân bằng.
Sự cân bằng của hệ sinh thái này bị phá vỡ khi có biến động lớn như vào mùa bão lũ hoặc hạn hán, động thực vật thủy sinh bị chết hoặc bơi đi. Hệ sinh thái hồ, ao có khả năng tự hồi phục, khi tổn thương ít, các loại thủy sinh sống sót, nhờ không khí và năng lượng mặt trời, nhờ vào nguồn dinh dưỡng từ đáy hồ và bờ hồ, sẽ hồi sinh và phát triển, từng bước cân bằng lại hệ sinh thái. Các chu kỳ này xảy ra liên tục. Tuy nhiên khi có những biến động gây ra tổn thương nặng vượt qua khả năng hồi phục của hệ sinh thái, hồ, ao có thể chết hẳn.
Sự phát triển và sinh hoạt của con người và xã hội có thể tạo ra những hoạt động tổn thương nặng nề cho hệ sinh thái của hồ ao. Các tổn thương cho hệ sinh thái về cơ bản bao gồm: axit hóa, phú dưỡng và các sinh vật lạ.
Axit hóa: nguồn gốc từ các oxit nitơ và lưu huỳnh thải ra từ các hoạt động núi lửa, từ sự phân hóa các chất hữu cơ trong đất, trong đất ngập nước, từ đại dương, nhưng phần lớn là từ việc đốt các loại than, dầu lửa, và các quặng sắt. Các oxit hòa tan vào không khí ẩm và xâm nhập vào hệ sinh thái lentic qua nước mưa. Khi hồ và ao bị axit hóa, các thực vật sẽ khó sống tiếp và do đó ảnh hưởng tới chu kỳ sống của cá, đặc biệt trong việc sinh trưởng.
Phú dưỡng: (quá nhiều nguồn thức ăn, ít oxy trong nước) xảy ra khi trong nước có quá nhiều phốt pho hoặc nitơ hoặc cả hai. Phốt pho xâm nhập qua các nguồn thải từ các hệ thống xử lý nước thải, hoặc từ nước thải xả trực tiếp từ cống rãnh, hoặc từ các nguồn nước thải từ hoạt động nông nghiệp. Nitơ chủ yếu từ các nguồn phân hóa học thấm qua các mạch nước ngầm. Việc tăng các chất dinh dưỡng này dẫn đến sự bùng nổ của các loại thực vật như tảo, lấn át sự phát triển và ảnh hưởng tới sự sinh tồn của các thủy sinh. Các loại tảo khi chết lắng xuống đáy. Các vi khuẩn cần nhiều oxy để phân hóa sinh học các chất lắng đọng này sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Việc này tiếp tục tạo các ảnh hưởng tiêu cực tới các thủy sinh cần oxy. Khi ta thấy cá chết trắng ở hồ trong những ngày nồm, một phần do hiện tượng này.
Sự xâm nhập của các sinh vật lạ: rùa tai đỏ do người dân mua rồi phóng sinh xuống hồ đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông là một ví dụ điển hình. Loài rùa này ăn tất cả những gì nó gặp, làm mất sự cân bằng hệ sinh thái hồ ao nhanh chóng.
Hà Nội là thành phố của hồ ao. Do sự phát triển đô thị tràn lan trong hai thập kỷ qua khiến hệ thống ao hồ bị tổn thương nghiêm trọng. Ngoài hồ Tây là hồ tự nhiên lớn, nằm ở rìa khu đô thị, có hệ thủy văn gắn bó trực tiếp với sông Hồng, nên có khả năng khôi phục và duy trì được hệ sinh thái mạnh. Nhưng còn rất nhiều các hồ ao lớn nhỏ khác trong lòng Hà Nội, đều bị cả ba thách thức trên o ép. Đó là chưa kể tới những hoạt động xả rác từ rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, nước thải, việc lấp hồ bất hợp pháp, hoặc các giải pháp cải tạo ao, hồ không đúng cách thức, khiến hồ, ao, đầm trở thành những tâm điểm ô nhiễm nhức nhối và ảnh hưởng xấu tới mỹ quan và môi trường sống của người dân.
Năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã tiến hành nghiên cứu khảo sát các hồ tại sáu quận Hà Nội trên cơ sở đánh giá chất lượng nước và môi trường hành lang bờ của các hồ, có thể xác định các vấn đề chính ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ bao gồm:
• Ô nhiễm chất hữu cơ: nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoat và một phần rác thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ.
• Ô nhiễm do rác thải sinh hoạt: loại rác như các đồ đạc cũ trong nhà, các đồ  tế  lễ, bát hương, bàn thờ cũ. Các  loại rác này làm hồ nông đi rất nhiều và chiếm thể tích nước của hệ sinh thái hồ.
• Ô nhiễm photpho và nito: nhiều cống thải của các hộ gia đình và hàng quán thải thẳng ra hồ không qua xử lý, là nguồn phốt pho và nitrat gây ra sự phú dưỡng ở các mức độ khác nhau, làm tăng các loại thực vật nổi và tảo.
• Ô nhiễm do phế thải xây dựng: đổ đất, lấn chiếm ao, hồ… làm giảm đáng kể diện tích ao, hồ, nhiều hồ đang dần biến mất.
Việc giữ gìn và bảo tồn ao hồ trong khu vực phụ thuộc vào giải quyết các nguyên nhân trên một cách hiệu quả.
Thoảng trong không gian mùi hoa sữa nồng nàn, mùa thu đã về một chớm…
Tháng 9: Thu Hà Nội
Mùa thu, mặt Hồ Gươm xanh biếc soi cả bầu trời xanh.
Mới ngày nào còn đi giữa cái nắng chói chang của mùa hè, hay trong cơn mưa rào như trút nước, vậy mà một buổi sáng ra đường chợt thấy lành lạnh – mới hay ta đang đi giữa mùa thu…
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-15
Thu Hà Nội như một món quà mà thiên nhiên, đất trời ban tặng cho mảnh đất ngàn năm. Mùa thu thì ở đâu cũng có, nhưng thu Hà Nội vẫn cứ đẹp đến nao lòng. Bầu trời xanh hơn, nắng vàng trải nhẹ trên những con đường, góc phố, trên những ngọn cây. Gió heo may nhè nhẹ thổi, cuốn theo những chiếc lá xoay xoay rơi như nốt nhạc.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-16
Mùa thu, mặt Hồ Gươm xanh biếc soi cả bầu trời xanh. Hàng cây cũng xanh, vài ngọn cây loà xoà đón nắng ửng vàng. Những cành lộc vừng trổ hoa, e ấp. Mới chiều tối còn thấp thoáng mà sáng ra đã rụng đỏ rực gốc cây, mặt hồ. Hoa lộc vừng Hồ Gươm cũng là một phần của thu Hà Nội. Nắng lấp lánh như dát bạc mặt hồ trên những gợn sóng lăn tăn, bồng bềnh trôi những bông hoa bé xíu.
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-17
Đêm thu dường như sâu lắng hơn, tĩnh lặng hơn. Những con phố không còn ồn ào náo nhiệt như những ngày hè. Người ta vẫn nhớ về một con đường, một không gian tĩnh lặng khi đi ngang đường Nguyễn Du, có hồ Thiền Quang lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm thu, trong mịt mờ của sương khuya giăng lành lạnh, sắc se cả cõi lòng. Ngồi bên hồ Thiền Quang, thoảng đâu đó mùi hoàng lan, mùi hoa sữa. Gió lại thổi qua, lao xao tiếng lá. Có thể cảm thấy như hương mùa thu đậu trên vai áo, lùa vào trong tóc, len lỏi, vấn vương…
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-18
Thu Hà Nội đến và đi nhanh lắm – thoảng như một cơn gió! Có khi người ta chưa cảm nhận được mùa thu, chưa thấy được mùa thu thì thu đã qua đi, nhanh đến ngỡ ngàng. Mùa thu đẹp và ngắn ngủi, để lại bao bâng khuâng nuối tiếc.
Buổi sáng ngồi trên phố, uống cà phê dưới vòm cây xanh, nghe nắng gió xôn xao, nghe cả hơi thở của mùa thu trong từng chiếc lá, nhìn mặt Hồ Gươm xanh ngắt một màu. Và yêu, và nhớ, muốn ôm lấy mùa thu, muốn níu mùa thu ở lại…
Hà Nội trong thu đẹp lạ thường…

Bản tin Hồ Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của các quý bạn đọc. Chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục nhận được các đóng góp cũng như các ý kiến của các bạn gửi về Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. Chúng tôi xin được chia sẻ những ý kiến đó với các độc giả khác để cập nhật về tình trạng ao hồ hiện nay trên địa bàn Hà Nội.
Bạn đọc Bùi Thanh Đức chia sẻ thông tin về ao Yên Hòa ở đình Báo Ân:
“Tôi mới biết được trang Website: http://cecr.vn không lâu và thấy rằng đây là một hoạt động rất có ý nghĩa. Nét đẹp của Hà Nội là những cảnh quan hồ, những khoảng xanh, mong mọi người cùng chung tay xây dựng. Tôi xin chia sẻ về thông tin ao Yên Hòa trong đình Báo Ân, hiện giờ ao làng đã được tu sửa và xây dựng thành một phần khép kín trong khuôn viên đình. Không còn tình trạng ao khô nước hay có rác. Rất đẹp và gọn gàng.”
Chúng tôi xin cám ơn bạn về những thông tin bạn đã cung cấp. Nếu có thể xin bạn có thể gửi cho chúng tôi một vài hình ảnh về ao Yên Hòa sau khi đã được tu sửa để chia sẻ cùng các độc giả khác. Xin chân thành cảm ơn!
Bạn đọc Nguyễn Hữu Phú chia sẻ:
“Một số hồ của Hà Nội (ví dụ như Hồ Nam Đồng), việc sử dụng để nuôi cá như hiện nay không thật sự có hiệu quả, nếu sử dụng cho việc vui chơi giải trí (bơi thuyền …) cũng ít người tham gia. Thiết nghĩ,  hoa Sen, ngoài vẻ đẹp, mùi hương thường thấy, nó còn làm sạch nguồn nước như các loài thủy sinh khác, nên chăng trồng hoa Sen cho hồ?”
Bạn đọc Nguyễn Tâm (một phóng viên tự do) chia sẻ về thông tin hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất trong thời gian gần đây:
“Khoảng 3 tháng trở lại đây, người dân phải hứng chịu mùi hôi thối bốc lên từ hồ. Nguyên nhân cũng vì nước hồ quá bẩn, cá chết trắng hồ. Nước hồ ô nhiễm là do nước thải từ các cửa cống đổ vào. Một số cửa cống lại không có song chắn rác nên mỗi khi mưa xuống là nước thải, rác tràn vào hồ…”
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-19
Bạn đọc Lương Thị Kim Thành cư dân sống gần khu vực ao đình Tây Hồ chia sẻ:
“Ao đình Tây Hồ thuộc đình Tây Hồ, ao trước kia được dùng để trồng Sen, nuôi cá. Sau này, khi dân cư phát triển, ao bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa khiến diện tích ao bị thu hẹp. Nước thải từ khu dân cư được xả trực tiếp ra ao làm nước ao bị ô nhiễm, nước có màu đen, vào những ngày nắng nóng bốc mùi hôi thối khó chịu. Hiện nay, ao đang được thầu sử dụng trồng rau muống, thường xuyên được phun thuốc gây ô nhiễm và rất mất mĩ quan.”
cung-chung-tay-bao-ve-ho-ha-noi-20
Xin chân thành cảm ơn các bạn và mong nhận được những đóng góp nhiều hơn nữa.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments