Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân, các bạn sinh viên đã có mặt tại bãi biển Đà Nẵng để tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày trái đất 2018 “Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) phối hợp cùng UBND quận Sơn Trà tổ chức. Đây là lần đầu tiên chương trình diễn ra tại TP Đà Nẵng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Làm sạch bãi biển và phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ; đổi rác thải lấy các sản phẩm tái chế từ nhựa thải; triển lãm các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, câu lạc bộ.

Thanh niên tham gia làm sạch bãi biển.

Bà Nguyễn Ngọc Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) chia sẻ: Chương trình được tổ chức nhằm truyền tải thông điệp giảm thiểu sử dụng túi nilon – chung tay bảo vệ biển và thực hiện phân loại, giảm thiểu, tái chế rác thải tại nguồn là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi doanh nghiệp. “Hãy thay đổi thái độ hành vi của chúng ta trong việc xả rác. Cùng nhau từ chính bản thân chúng ta, gia đình chúng ta giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng túi nilon, phân loại rác còn sử dụng để đưa vào tái chế sử dụng, làm phân hữu cơ cho các vườn rau xanh tại gia đình”- bà Ly kêu gọi.
Cũng trong sáng nay, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng GreenViet tổ chức thu rom rác thải từ tại tuyến chùa Linh Ứng và một số điểm chính trên bán bán đảo Sơn Trà hưởng ứng Ngày trái đất 2018. Hơn 100 tình nguyện viên gồm sinh viên, cha mẹ và trẻ em đã tham gia nhặt rác để tạm thời giảm thiểu nạn ô nhiễm rác thải và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên Sơn Trà.
Đà Nẵng là thành phố phát triển kinh tế dựa vào du lịch, do đó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên biển. Sự kiện Ngày Trái đất 2018 tại Đà Nẵng được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh”. Dự án nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố Xanh và Thông minh”, và đóng góp cho mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Quản lý Chất thải rắn tại Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tin, ảnh: KIM NGÂN