Dự án Đại dương không nhựa
Dự án “Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh”
Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Tái chế Rác thải Sinh hoạt Đô thị (MWRP)/DIG với sự hỗ trợ tài chính của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), do CECR chủ trì thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu tổng thể là “Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thực hành tái chế rác thải tại nguồn dựa vào cộng đồng, giữ biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa”.
Dự án bao gồm các chương trình nâng cao nhận thức, triển khai các hoạt động giảm thiểu chất thải thông qua các mô hình phân loại rác tài nguyên, tái chế rác hữu cơ và giảm sử dụng túi nilon tại nguồn và được thực hiện tại hai quận Sơn Trà và Thanh Khê của Đà Nẵng. Quá trình thực hiện các mô hình trên sẽ thúc đẩy sự cộng tác của các cơ sở thu mua phế liệu, xí nghiệp môi trường ở địa phương để công tác thu gom và phân loại rác thải được hiệu quả và triệt để hơn.
Bên cạnh việc thực hiện các mô hình giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải ở hai quận, dự án còn tập trung vào việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng cho lực lượng ngư dân, tiểu thương, chủ các cơ sở nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế các hành vi xả thải, khuyến khích các hành động phân loại và tái chế rác có hiệu quả thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, cam kết không xả thải rác xuống biển. Đồng thời, phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức các hoạt động thúc đẩy thanh niên tiên phong trong bảo vệ biển khỏi rác thải nhựa.
Ngoài ra, Dự án sẽ thành lập Mạng lưới Cộng đồng Tái chế tại Đà Nẵng (DNCR), bao gồm các chuyên gia quản lý rác thải rắn, các chuyên gia về môi trường, Hội phụ nữ, các câu lạc bộ môi trường của trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị thu gom và tái chế, đại diện ngư dân, Hiệp hội du lịch, đại diện chính quyền địa phương, sẽ cùng nhau bàn bạc thảo luận về các chính sách hiện hành và khuyến nghị nhằm tăng cường tái chế rác thải và giữ cho biển không có rác thải nhựa thông qua các nghiên cứu và diễn đàn chính sách. Mạng lưới Cộng đồng Tái chế tại Đà Nẵng-DNCR sẽ là nơi đóng góp tiếng nói của các bên liên quan vào các chính sách tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, và là nơi đi đầu trong tổ chức các chiến dịch tái chế rác thải.
Các kết quả của dự án sẽ đóng góp vào Chiến lược Quản lý chất thải rắn của Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng.
-CECR-