Trong khuôn khổ Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, sáng nay, ngày 07/6/2022, tại thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Khoá Tập huấn: “Nâng cao năng lực về quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn”. Khóa tập huấn được tổ chức trên cơ sở nội dung hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Trung tâm tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.
Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được biết đến là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, với tổng diện tích lưu vực là 10.035 km2. Trong những năm qua, nhu cầu dùng nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn không ngừng gia tăng dẫn đến việc khai thác các nguồn nước mặt, nước dưới đất để sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn lại đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó thiếu nước trong mùa cạn diễn ra có tính chất chu kỳ, thường xuyên, liên tục vào mùa cạn hàng năm đã gây ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất có sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên, song có một số nguyên nhân chính sau đây dẫn đến thiếu nước trên lưu vực:
1. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn mặc dù đã được bổ sung, hoàn thiện trong năm 2019. Tuy nhiên, thực tế một số điều khoản quy định về vận hành xả nước về hạ du của các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực chưa phù hợp, do các vấn đề mới trong thực tiễn phát sinh đã chưa được nhận diện và tính toán để quy định, cụ thể:
- Thời điểm các nguồn năng lượng điện tái tạo (chính là điện mặt trời) huy động phát điện cao (từ 9h sáng đến 14h khi nguồn bức xạ nhiệt mặt trời cao nhất), thuỷ điện không được huy động hoặc huy động phát điện hạn chế. Vì vậy, trong quãng thời gian nêu trên, nước từ các hồ chứa thuỷ điện xả về hạ du hạn chế, dẫn đến mực nước trên các sông thấp, việc khai thác nước vùng hạ du gặp khó khăn (xâm nhập mặn lấn sâu vào trong sông, các trạm bơm ngừng hoặc hoạt động hạn chế do mực nước trong sông thấp);
- Các ngày lễ, tết và Thứ 7, Chủ nhật, nhu cầu tiêu thụ điện giảm nên các nhà máy thuỷ điện giảm phát điện theo huy động điện của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia. Vì vậy, lưu lượng nước xả về hạ du của các hồ chứa cũng hạn chế.
- Số liệu khí tượng thuỷ văn và vận hành của các hồ chứa trên lưu vực sông chưa được công khai đầy đủ để cộng đồng, người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan dễ dàng giám sát việc tuân thủ các quy định trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bên liên quan trên lưu vực.
2. Quy trình vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch do Bộ NN và PTNT ban hành đã không còn phù hợp với thực tế. Việc quy định đóng kín hoàn toàn các cửa van của đập An Trạch trong các thời kỳ dùng nước gia tăng trong mùa cạn khiến cho việc sử dụng nước lãng phí, không hiệu quả. Trong khi đó, có thể linh hoạt vận hành các cửa van trong các thời điểm nhu cầu tưới giảm (ví dụ vào ban đêm) để đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ.
3. Công tác phối hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước giữa các bên liên quan chưa hiệu quả, thiếu một tổ chức điều phối lưu vực sông chính danh để kiến nghị, ra quyết định điều hành việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực. Thực tế cho thấy trong các thời điểm hạ du bị xâm nhập mặn, đã xảy ra thiếu nước sinh hoạt, nhưng các cá nhân tham mưu lại phụ thuộc quá nhiều vào các quy định và thủ tục hành chính dẫn đến các quyết định điều hành xả nước về hạ du được ban hành không kịp thời, dẫn đến thiếu nước cho sinh hoạt, một số thời điểm gây bức xúc trong nhân dân.
4. Năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác tham mưu còn hạn chế, thiếu thông tin về vận hành các hồ chứa thuỷ điện và khí tượng thuỷ văn trên lưu vực để có thể tham mưu kế hoạch sử dụng nước cũng như ra quyết định vận hành xả nước về hạ du kịp thời.
Thực tế đó đòi hỏi cần thiết phải tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt trong công tác giám sát việc vận hành của các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông và lập kế hoạch sử dụng nước cho vùng, địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan có các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực để khắc phục những bất cập, tồn tại của công tác này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Nẵng