Với đường bờ biển kéo dài, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hâu. Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến ngày càng nhiều các thảm họa thiên nhiên hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, rét đậm, lũ lụt, bão lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã hứng chịu 576 đợt thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 đợt áp thấp nhiệt đới, 264 cơn dông, sét và mưa đá, 132 trận lũ quét, sạt lở đất và 90 trận động đất. Thiệt hại về kinh tế ước tính gần 40,000 tỷ đồng. Tại Việt Nam, phụ nữ vừa là đối tượng chịu tác động, vừa là chủ thể có những đóng góp đáng kể trong công tác chuẩn bị, phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, vai trò và năng lực của phụ nữ chưa được nhìn nhận đầy đủ, tiếng nói và tầm ảnh hưởng của họ trong quá trình ra quyết định về thích ứng với BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai vẫn còn hạn chế. Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, CECR tập trung vào các hoạt động:

(1) Thúc đẩy các sáng kiến về lồng ghép giới trong ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai thông qua các mô hình phụ nữ bảo tồn nguồn nước, phụ nữ tiên phong trong chuỗi quản lý rác thải nhựa.

(2) Nghiên cứu và xây dựng các công cụ khoa học đo lường được sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong giảm thiểu khí nhà kính.

(3) Thúc đẩy mạng lưới phụ nữ tiên phong trong thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu để vận động chính sách hiệu quả.

Các dự án/chương trình điển hình của chúng tôi trong lĩnh vực:

Tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức phụ nữ trong xây dựng chính sách ứng phó biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai (2019 – 2022): Thông qua sự tài trợ của UN Women, CECR đã khởi xướng và điều phối thành công Mạng lưới Phụ nữ tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Dự án, Mạng lưới phụ nữ đã hoạt động tích cức ở các tỉnh thành Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bến Tre, Hà Tĩnh, Nghệ An, Yên Bái và có đóng góp ý nghĩa cho tiến trình thực hiện Kế hoạch Quốc gia về ứng phó với Biến đổi Khí hậu (NAP) và Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) tại Việt Nam cụ thể như, lần đầu tiên phát triển thành công “Công cụ tính toán đóng góp của Phụ nữ trong giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý rác thải” tại Việt Nam, xây dựng 18 thông điệp gửi đến COP 25 và 26; 03 bản tóm tắt và đề xuất chính sách về lồng ghép giới trong quản lý nguồn nước, quản lý rác thải và quản trị rừng bền vững.

 

Các hoạt động/dự án lồng ghép giới trong bảo vệ môi trường khác: CECR đã phối hợp với Viện Môi trường Stockholm hoàn thành nghiên cứu Đánh giá sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường trong hai dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam (năm 2015) và phát triển hướng dẫn sự tham gia của phụ nữ trong đánh giá tác động môi trường (năm 2017). Tại COP 22 năm 2016, CECR cũng có đại diện tham gia và đóng góp tiếng nói về khía cạnh bất bình đẳng giới trong rủi ro thiên tai (https://asiapacific.unwomen.org/en/news-and-events/stories/2016/11/take-five-on-the-front-line-of-disasters). Năm 2019, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Canada, CECR hoàn thành báo cáo nghiên cứu Nâng cao vị thế của phụ nữ trong chuỗi giá trị rác thải nhựa tại Việt Nam.