Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, các bãi chôn lấp rác đang quá tải, ô nhiễm không khí do đốt rác, tất cả đều đến từ lỗ hổng trong vấn đề quản lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam. Với kinh nghiệm thực tiễn và nghiên cứu các bài học chính sách trên thế giới, chúng tôi tin rằng các vấn đề về rác thải sẽ được cải thiện thông qua cơ chế quản lý rác thải theo chuỗi giá trị từ đó nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên sẽ được thiết lập. CECR là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam đề cập tới cách tiếp cận quản lý rác thải thông qua cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên.

Năm 2018, sau chuyến tham quan học hỏi của CECR tại Hàn Quốc, CECR đã có các hội thảo chia sẻ về nền kinh tế tuần hoàn Tài nguyên – Kinh nghiệm Hàn Quốc tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở TNMT Đà Nẵng và Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 2019, CECR đã cùng với ISPONRE thực hiện nghiên cứu “Chủ trương, chính sách, biện pháp và thức trạng công tác quản lý chất thải rắn của một số nước trên thế giới. Đánh giá hiệu quả thực hiện và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”. Một trong những khuyến nghị nổi bật nêu ra từ nghiên cứu này như sau “Về tài chính: Cách tiếp cận người gây ô nhiễm phải trả được áp dụng. Người gây ô nhiễm gồm các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thực phẩm phải trả phí cho xử lý rác thải phải thực hiện trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (EPR)”. Để có những kiến nghị chính sách về quản lý rác thải theo chuỗi giá trị một cách thực tiễn và phù hợp với Việt Nam, từ năm 2018, CECR đã và đang xây dựng và thực hiện mô hình quản lý rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa giá trị thấp theo chuỗi giá trị thu hút sự tham gia của cơ quan nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp tái chế và người thu gom phi chính thức.

Các dự án/chương trình điển hình của chúng tôi trong lĩnh vực:

Mô hình này đã và đang áp dụng tại Đà Nẵng (Sơn Trà, Thanh Khê, Hòa Vang, Cảng cá Âu thuyền Thọ Quang); tại Hà Nội (Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm). Mô hình quản lý rác thải nhựa theo chuỗi giá trị đã và đang được thực hiện thông qua các dự án của CECR bao gồm: Dự án Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh (2017 – 2018, USAID tài trợ, thực hiện tại Đà Nẵng); Chương trình Hợp tác quốc gia thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam (2020 – 2022, DOW tài trợ, thực hiện tại Hoàn Kiếm – Hà Nội); Tăng cường vai trò của phụ nữ trong các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua phân loại, tái chế bền vững (2021 – 2023, OC tài trợ, thực hiện tại Nam Từ Liêm – Hà Nội).